TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6: Hội thảo về giảm chặt phá rừng và công nghiệp xanh

Cập nhật 16:16 ngày 25/06/2018

Ảnh: dangcongsan.vn

VTV.vn - Trong chiều nay (25/6), hai hội thảo trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) đang diễn ra tại Đà Nẵng đã được tổ chức.

* Kinh nghiệm giảm chặt phá rừng từ chuỗi cung cấp hàng hóa  

Trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) đang diễn ra tại Đà Nẵng, chiều nay (25/6) đã diễn ra hội thảo "Giảm chặt phá rừng từ chuỗi cung cấp hàng hóa - Từ cam kết đến hành động, kinh nghiệm từ GEF". Hội thảo do UNDP chủ trì với sự tham dự của hơn 50 đại biểu là đại diện chính phủ các quốc gia thành viên, các tổ chức môi trường quốc tế và các công ty đa quốc gia.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã phân tích những vấn đề chính mà các nước sản xuất hàng hóa gặp phải khi một mặt phải đáp ứng các cam kết cung cấp nông sản cho thế giới nhưng mặt khác lại phải giảm áp lực đối với rừng. Các tham luận tại hội thảo chỉ ra rằng, tuy các công ty đã ra sức cam kết hành động để loại bỏ việc phá rừng ra khỏi chuỗi cung ứng nhưng vẫn chưa giải quyết được các vấn đề cấp thiết về biến đổi khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt. Do đó những kinh nghiệm và bài học được chia sẻ tại hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc biến những cam kết và tầm nhìn thành hành động thực tế để bảo vệ diện tích rừng hiện có trên thế giới.

* Kinh tế tuần hoàn với các lợi ích môi trường toàn cầu

Cũng trong chiều nay (25/6), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cùng với chính phủ các nước và các tổ chức liên quan đã tổ chức hội thảo về "Kinh tế tuần hoàn với các lợi ích môi trường toàn cầu" nhằm tìm ra các cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, tạo ra lợi ích cho môi trường dựa trên phát triển công nghiệp xanh.

Mô hình khai thác - sản xuất - sử dụng - thải bỏ một chiều là nguyên nhân chính của cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, chất thải, sự suy giảm môi trường, biến đổi khí hậu. Mô hình này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ con người. Vì vậy, xúc tiến thực hành kinh tế tuần hoàn – tức là hướng đến chu trình khép kín từ khâu khai thác nguyên liệu thô đến sản xuất, phân phối, sử dụng, quản lý chất thải cho đến khâu thải bỏ cuối cùng nhằm đảm bảo rằng các tài nguyên được sử dụng liên tục tuần hoàn - là phương án giúp tạo ra lợi ích môi trường toàn cầu.

Kinh tế tuần hoàn có mối liên hệ trực tiếp với các chương trình hỗ trợ bởi Quỹ môi trường toàn cầu như hoá chất xanh, khu công nghiệp sinh thái, công nghiệp cộng sinh, đồng thời tiếp cận kinh tế tuần hoàn được xem là một động lực thúc đẩy đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.