Bên cạnh việc xuất hiện trong những dịp lễ hội thì tiếng chiêng cũng là âm thanh báo hiệu tết đến xuân sang, cũng đại diện lời chúc cho đồng bào thịnh vượng, phồn vinh.
Ngày nay, những lễ hội không còn được nhiều như trước, nhưng tiếng chiêng vẫn có dịp được vang lên nhờ các hoạt động giao lưu của thế hệ trẻ.
Một ngày đầu xuân mới, hai đội chiêng trẻ của buôn Kmrơng Prong A (xã Ea Tu) và buôn Kbu (xã Hòa Khánh) cùng gặp nhau ở bến nước buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để giao lưu diễn tấu chiêng tre.
Đội chiêng buôn Kmrơng Prong A là đội chiêng nam trong độ tuổi từ 12 đến 15, còn đội chiêng buôn Kbu là đội chiêng nữ từ 14 đến 32 tuổi. Đối với người Êđê, có một đội chiêng nữ là điều hiếm, việc các đội chiêng trẻ ở các buôn đánh chiêng giao lưu cũng chưa từng có tiền lệ.
Có thể thấy, đây là một hoạt động rất mới mẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng ở thành phố Buôn Ma Thuột. Nhờ đó tạo ra sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau và tạo cảm hứng mới mẻ, để các đội chiêng có môi trường diễn tấu các bài chiêng một cách thường xuyên hơn.
Tuy chưa từng có tiền lệ, nhưng hoạt động giao lưu giữa 2 đội chiêng trẻ này đã tạo ra những hứng khởi mới cho hoạt động diễn tấu cồng chiêng.
Đây cũng là dịp để các thanh thiếu niên yêu thích chiêng có cơ hội được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, qua đó biết thêm nhiều bài chiêng mới, cách đánh hay. Từ đó góp phần tốt hơn để lưu giữ, lan tỏa nhịp chiêng của dân tộc mình.
*Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo !