TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Dấu ấn VTV8

Thu Trang (Tạp Chí Truyền hình)Cập nhật 10:17 ngày 12/02/2019

VTV.vn - Nằm ở giữa hai đầu đất nước, với vị trí địa lí và lịch sử tương đối đặc biệt, miền trung tây nguyên luôn được coi là vùng đất "vàng" cho phim tài liệu.

Vùng đất này đã đi qua thời chiến tranh khốc liệt, cho đến ngày nay cuộc sống vẫn đầy bất ổn, tất cả đều có thể trở thành những đề tài hấp dẫn.

Đề tài mang tính đặc thù

Trong điện ảnh có nhiều cách để diễn tả sự thật, phim tài liệu là mảnh đất rông rãi nhất cho phép người làm phim trình bày những sự thật đời sống diễn ra xung quanh mình một cách trung thực, thẳng thắn và quyết liệt nhất. Phim tài liệu từ lâu đã được xem là thế mạnh của VTV8, mỗi năm trung tâm truyền hình Việt Nam tại miền trung tây nguyên đều sản xuất hàng trăm bộ phim kể về những cuộc đời, những số phận của người dân vùng đất quanh năm bão gió, điều kiện kinh tế, xã hội còn có  nhiều khác biệt so với hai đầu đất nước. Chi tính riêng trong năm 2018, đã có nhiều bộ phim có tỉ suất người xem cao bất ngờ như: Ba tôi của đạo diễn Đoàn Hồng Lê, Lạc con trên đường chạy loạn của đạo diễn Dương Mộng Thu, Những người đàn bà lặn biển của đạo diễn Đức Đệ, Người đóng giày làng phong của đạo diễn Trần Trúc Linh. … Mỗi bộ phim kể một câu chuyện khác nhau, với phong cách làm phim khác biệt, nhưng đều chạm tới cảm xúc của người xem. Ba tôi là câu chuyện đầy sống động về chiến tranh, quá khứ, nỗi đau, kí ức, sự tri ân đồng đội. Câu chuyện được kể lại trong một chuyến đi trở về với chiến trường Campuchia (1984) với vợ và con gái của đại tá Trương Hồng Anh, sư đoàn trưởng sư đoàn 2 quân tình nguyện Việt Nam và nhà báo chiến trường Đặng Xuân Thu. Bộ phim đã khiến nhiều người rơi nước mắt khi tái hiện một cách mạnh mẽ, nhân văn, can trường một qúa khứ bi tráng, đẫm nước mắt nhưng lại đầy lãng mạn trong tình yêu của người lính quân tình nguyện Việt Nam. Hơn 40 năm chiến tranh đã trôi qua nhưng nhiều nỗi đau vẫn còn hiện hữu, trong đó có số phận của hàng trăm trẻ em bị lạc cha mẹ trên đường 7 ngày nào. Đến tận hôm nay đường 7 vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi với những ai từng chứng kiến. Phim tài liệu Lạc con trên đường chạy loạn đã đưa khán giả gặp gỡ những đứa trẻ ấy cùng câu chuyện về hành trình sống và tìm lại nguồn gốc của mình. "Cuộc di tản trên liên tỉnh lộ 7 năm 1975 là một sự kiện lịch sử đáng để lưu tâm nhưng vượt lên trên hết là thứ tình cảm thiêng liêng mà không bom đạn nào xoá được, dù họ là ai, ở chiến tuyến nào, bản năng yêu thương những mầm sống nhỏ nhoi đã xoá dần những định kiến trong lòng họ và những đứa trẻ ấy đã trở thành con nuôi chung của cả làng, được bố mẹ nuôi và cộng đồng làng yêu thương hết mực. Đó chính là điều mà chúng tôi muốn khắc hoạ trong phim" đạo diễn Dương Mộng Thu chia sẻ. Những người đàn bà lặn biển khắc hoạ những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh của người dân miền trung. Lặn biển là công việc yêu cầu phải có sức khoẻ, dẻo dai để ứng phó với những tình huống nguy hiểm. Nhưng không ít phụ nữ ở làng biển Mỹ Hiệp huyện Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận vẫn ngày ngày bám biển bằng cái nghề vốn chỉ dành cho đàn ông này. Người đóng giày làng phong lại là câu chuyện về tình yêu thương, thấu hiểu và đồng cảm khi kể lại hoạt động của một xưởng giày nhỏ nằm trong khuôn viên bệnh viện phong Quy Hoà – Bình Định. Xưởng chỉ hoạt động về đêm khi những người thợ trở về sau một ngày mưu sinh bên ngoài. Hình ảnh những chiếc giày hình thù méo mó nhưng có tác dụng lấp đầy phần khiếm khuyết của cơ thể đã bị bệnh tật bào mòn. Mỗi chiếc giày được làm ra đều ẩn chứa trong đó sự thấu hiểu, đồng cảm, giữa người và người. Hơn nữa, đó còn là sự vật lộn, tranh đấu với mặc cảm của căn bệnh dễ bị kì thị. Với nhiều người thợ đóng giày đó còn là công việc để giải thoát sự đau đớn, ẩn ức của một thế hệ lịch sử. Bị kì thị ngay từ khi mới sinh ra. Lớn lên với mặc cảm bệnh tật.

Dấu ấn VTV8 - Ảnh 1.

Trích Phim Tài liệu "Những người đàn bà lặn biển"

Đam mê và thách thức

Trung tâm truyền hình Việt Nam tại khu vực miền Trung Tây nguyên từ nhiều thập niên trước đây đã sở hữu một đội ngũ làm phim tài liệu rất "chất" được đánh giá cao. Thế hệ kế cận ngày nay cũng đã phần nào tiếp nôí được truyền thống đó. Đội ngũ làm phim tài liệu của VTV8 hiện nay đều là những người xông xáo, được học hành bài bản. Một số người còn tự bỏ tiền túi ra để theo học các khoá đào tạo ở nước ngoài, biết cách ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn để làm phim theo phong cách hiện đại. Nhiều đạo diễn đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ với phong cách làm phim độc đáo như: Đoàn Hồng Lê, Lê Hoàng Tùng, Dương Mộng Thu, Nguyễn Hồng Phong, Đức Đệ…Đoàn Hồng Lê từng qua Pháp với Đất đai thuộc về ai – phim đoạt giải 3 tại LHP Cameras des Champs năm 2011 và sang Hàn Quốc với Lời cuối của cha – phim được trao giải thưởng trong hạng mục "dự án phim tài liệu dài" tại LHP quốc tế DMZ 2015. Đạo diễn Dương Mộng Thu từng đoạt giải Ogawa Shinsuke – giải cao nhất hạng mục phim tài liệu châu Á tại LHP quốc tế Yamagata cho bộ phim Chiếc chiếu của bà Bứa.

Dấu ấn VTV8 - Ảnh 2.

Trích Phim Tài liệu "Ba tôi"

Theo nhà báo Vũ Quỳnh (Trưởng Phòng Phim Tài liệu), VTV8 dù có rất nhiều vấn đề để khai thác nhưng vì điều kiện địa lí, kinh tế, xã hội của miền trung tây nguyên khá đặc thù, nên phim tài liệu của VTV8 còn thiếu tính phổ quát. " Để gây được tiếng vang thì câu chuyện của phim tài liệu phải là câu chuyện của con người nói chung chứ không phải của bất cứ một địa phương nào hết". Con người miền trung hiền lành, ngại tiếp xúc, không có khả năng tốt về ngôn ngữ, điều đó cũng gây ra không ít khó khăn cho các nhà làm phim tài liệu vì ở thể loại này, phỏng vấn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. 

Từ ngày 15/01/2019, VTV8 đã có Phòng Phim tài liệu (trước đó là Tổ Phim Tài liệu - Phóng sự), Phòng sẽ phải đảm đương một khối lượng công việc rất lớn bao gồm rất nhiều đầu mục từ các phóng sự, kí sự, các chương trình xã hội hoá, các chương trình chung theo chỉ đạo của Đài, chứ không chỉ tập trung làm phim tài liệu. Công việc làm phim bắt buộc phải cập nhật liên tục các kiến thức mới về cách làm phim, cách tổ chức sản xuất, thông tin…nhưng vì VTV8 ở khá xa trung tâm, các phóng viên gần như đều bị quá tải về công việc nên cũng bị hạn chế trong việc cập nhật thông tin nghề nghiệp.

Bộ phim tài liệu Những thanh niên làng Nam Ô, nói về giới trẻ ở một ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại ở Đà Nẵng đã ra mắt khán giả VTV8, và đã đạt giải cao nhất cho thể tài Phim Tài liệu trong Liên hoan Truyền hình Toàn Quốc 2018 vừa qua (Giải Vàng). Bộ phim cho khán giả thấy một thế hệ thanh niên đã lớn lên trong một giai đoạn có nhiều biến động với ước mơ gìn giữ những giá trị văn hoá - truyền thống của ngôi làng cổ, nơi họ đã sinh ra và lớn lên, trước cơn lốc đô thị hoá.

Dấu ấn VTV8 - Ảnh 3.

Trích Phim tài liệu "Nhưng Thanh niên làng Nam Ô"

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Quảng Bình: Giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia 2024

VTV.vn - Giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024 là hoạt động thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh Quảng Bình.