Nếu tính theo Dương lịch thì tháng Ramưwan của người Chăm Bàni và người Chăm Islam theo đạo Hồi giáo bắt đầu từ 16/5 đến 16/6. Như vậy, lúc này là những ngày cuối cùng của tháng Ramưwan. Nếu có mặt ở những làng Chăm trong những ngày này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi chứng kiến nhịp sống vô cùng độc đáo của người làng Chăm.
Tết Ramưwan của người Chăm Bàni và người Chăm Islam theo đạo Hồi giáo bắt đầu bằng nghi lễ tảo mộ, rước ông bà tổ tiên về sum vầy với con cháu. Sau nghi lễ quan trọng này, các chức sắc làng Chăm ở hẳn trong thánh đường suốt cả một tháng. Đây cũng là tháng ăn chay với những nghi thức không bao giờ bị phá vỡ cho dù nhịp sống làng Chăm bây giờ khá hiện đại.
Trong suốt tháng này, các chức sắc trong thánh đường không bao giờ dùng bữa khi còn ánh mặt trời. Suốt cả tháng Ramưwan, cứ hễ mặt trời lặn, phụ nữ trong làng lại về thánh đường. Mỗi người một chiếc tráp trên đầu. Sân thánh đường là nơi để những phụ nữ trong làng bày ra những chiếc tráp mang đến.
Những gì bên trong chiếc tráp là trầu cau - lễ vật chỉ là thế, nhưng luôn được chuẩn bị tinh tươm, sau đó mới dâng vào thánh đường.
Khi nắng tắt hẳn, việc hành lễ mới bắt đầu. Các chức sắc thực hiện một nghi thức trước giờ hành lễ, gột sạch thân thể trước giờ khắc quan trọng. Lời kinh vang lên. Tất cả đều thành kính nguyện cầu.. Chỉ ở một thánh đường của người Chăm Bàni lúc mặt trời lặn trong tháng Ramưwan cũng đã có quá nhiều điều độc đáo, để rồi bất cứ ai cũng mong muốn được hiểu hơn về vùng đất này.
Những quan niệm về thế giới, về nhân sinh ẩn chứa trong từng nghi lễ tại thánh đường, có lẽ không dễ để hiểu hết chiều sâu ý nghĩa. Nhưng, điều luôn hiện hữu trong nhịp sống làng Chăm tháng Ramưwan vẫn là mong muốn hướng về cuộc sống mà nơi đó chỉ có lòng tốt, vẫn là một điều không bao giờ thay đổi ở làng Chăm: dẫu có đi đâu về đâu thì tháng Ramưwan vẫn luôn là thời gian để hướng về nguồn cội.