Với người dân Việt, có lẽ chẳng điều gì thân thuộc hơn là hạt lúa, hạt gạo. Hầu như ngày nào cũng "bưng bát cơm đầy", hầu như ngày nào cũng ăn cơm, nhưng thực tế có nhiều loại gạo mà cho đến lúc này không phải ai cũng được ăn. Tại làng Tuy Dương nằm ven theo đồi núi ở xã An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) có một loại gạo đỏ nằm trong số những loại gạo hiếm gặp. Điều khá lạ, làng Tuy Dương làm được bao nhiêu gạo đỏ thì ngay lập tức, người xa người gần tìm đến mua hết sạch. Mỗi kg gạo đỏ chẳng lúc nào dưới 20.000 đồng, nghĩa là gấp đôi, gấp ba so với giá gạo thường dùng.
Sức hút gạo đỏ bắt đầu từ màu sắc khá lạ mắt, bắt đầu những giá trị dinh dưỡng của gạo đỏ được người dân trong vùng ghi nhận. Và sức hút của gạo đỏ chính ở chỗ, đây là loại gạo hiếm.
Vì sao loại gạo đỏ lại hiếm đến như vậy? Câu trả lời chính ở vùng đất khô cằn chen lẫn sỏi đá, tưởng như không dành chỗ để người dân mưu sinh nhưng lại là nơi phù hợp cho loại lúa của gạo đỏ. Từ lúc gieo hạt lúa xuống đất cho đến khi cây lúa trổ bông, dân làng chẳng bao giờ cần đến phân bón hay thuốc trừ sâu...Lối canh tác nương theo tự nhiên tự thân đã khẳng định gạo đỏ đúng nghĩa là gạo sạch. Mất đến nửa năm mới có một vụ thu hoạch nên người làng Tuy Dương hoặc chỉ dành gạo đỏ làm quà biếu hoặc chỉ để bán những mong chắt chiu thêm ít tiền. Hiếm hoi lắm, gạo đỏ mới được người làng dùng đến và đó chỉ là những dịp đặc biệt. Gạo đỏ giúp người gần, người xa biết đến vùng đất này và giúp nhiều người thêm niềm tin rằng: nhiều điều tưởng như giản đơn trong cuộc sống của làng vẫn có những sức hút riêng có.