Gần 1 tháng qua, việc đi rừng trở thành công việc hàng ngày của hầu hết người dân các xã phía bắc của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai khi xoay rừng vào thời kỳ chín rộ.
Quả xoay được xem là một loại đặc sản ở rừng của huyện Kbang khi mật độ cây tại đây khá dày, chất lượng quả được đánh giá là ngon hơn các vùng rừng khác.
Năm nay xoay rừng rất sai quả nhưng việc vận chuyển và tiêu thụ khó khăn do dịch COVID-19 nên giá thu mua thấp hơn nhiều năm trước. Với mức giá bán bình quân khoảng 18.000 đồng/kg; thu nhập một ngày đi rừng của người dân khoảng từ 300 đến 400 ngàn đồng.
Khoảng 10 ngày trở lại đây là thời điểm xoay bắt đầu chín rộ. Ước tính bình quân mỗi ngày, người dân huyện Kbang cũng thu hoạch trên dưới 15 tấn quả.
Từ lâu, lâm sản phụ dưới tán rừng đã trở thành một nguồn thu đáng kể cho người dân sống gần rừng. Tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước, lâm sản phụ dưới tán rừng đã giúp nhiều hộ dân có thêm việc làm và thu nhập.
Trong điều kiện đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân thì với nguồn thu nhập từ các loại lâm sản phụ dưới tán rừng cũng sẽ giúp cho nhiều người dân trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, cây xoay là cây rất cao nên trong quá trình thu hoạch cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với những người trèo hái. Bên cạnh đó, nhiều người thu hái còn chặt cả những thân cành lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng lâu dài của cây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!