Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa 14, bên cạnh hàng loạt những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, đổi mới giáo dục của đất nước.
Không ít cử tri cho rằng sở dĩ các giá trị đạo đức xã hội bị sa sút nghiêm trọng như hiện nay có phần lớn thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ cán bộ công chức bởi những người này không những chưa làm gương cho thế hệ trẻ mà còn có nhiều sai phạm, lệch lạc trong tư tưởng và hành động.
Bên ngoài cũng bên trong trường học xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng: học sinh cư xử thiếu văn hóa, đánh nhau, sử dụng các chất gây nghiện…hay coi thường nội quy nhà trường, hỗn láo với thầy cô...Ngược lại một bộ phận giáo viên có biểu hiện vi phạm quy định nghề nghiệp và đạo đức nhà giáo, cũng có chiều hướng gia tăng. Sự sa sút đáng lo ngại về đạo đức học đường đang khiến đông đảo cử tri hết sức lo ngại và mong ngành giáo dục cùng với xã hội và gia đình sớm khắc phục.
Khắc phục tình trạng sa sút, xuống cấp các giá trị đạo đức xã hội hiện nay đang là đòi hỏi bức thiết của cả xã hội, và theo nhiều cử tri cần phải nhìn nhận thẳng thắn những vấn đề gốc rễ để sớm có những giải pháp căn cơ, bắt đầu là từ chính các vấn đề của giáo dục.