Diễn ra quanh năm, nhưng mỗi khi Tết Nguyên đán đến gần, cả làng chổi Mỹ Thành vui như hội. Để chuẩn bị hàng hóa cung ứng ra thị trường, ngay từ đầu năm, nhà nhà đều có kế hoạch mua trữ đót. Từ chỗ vài hộ làm chổi, đến nay, hơn 80% hộ dân trong làng đều lấy việc sản xuất chổi làm thu nhập chính. Nhà nhà làm chổi, dẫn đến sự tranh mua tranh bán. Nhưng ở làng nghề này, sự cạnh tranh không làm mất đi tình làng nghĩa xóm. Người dân địa phương xem đó như là động lực để đưa làng nghề phát triển. Nhà làm khéo, làm giỏi có lãi cao, làm chưa khéo tất nhiên nhận lãi thấp hơn.
Làm chổi nói chung không khó, nhưng không vì thế mà chổi làng nghề Mỹ Thành mất đi sự sắc sảo, đẹp mắt. Trước kia, khi thị trường chưa phát triển, khi làng nghề chưa được công nhận, từng nhà làm riêng lẻ, sản phẩm chổi là của từng gia đình. Nay có thị trường, lao động cũng được phân chia theo từng công đoạn làm chổi. Nhà thì lựa chọn đót, tách đót; nhà bó cổ và thân chổi, nhà thì đảm nhận khâu quấn thép...Tất cả đều có sự phân chia lao động một cách hợp lý, là một trong những yếu tố giúp làng nghề chổi đót Mỹ Thành đứng vững trên thị trường hiện nay.
Những năm gần đây, sản phẩm chổi đót của làng nghề bó chổi Mỹ Thành được tiêu thụ mạnh, thị trường được mở rộng ra các tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk, Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận… Người làm nghề mở rộng sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động tại địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định. Với kinh nghiệm của người trong làng, sau 20 tháng Chạp, tức tầm khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên đán, chổi Mỹ Thành được bán đắt nhất. Nhiều người ví von đấy chính là những ngày Tết thực sự của bà con, bởi những sản phẩm của làng nghề được chuyển đi nơi nào, cũng giống như chính họ đã có mặt ở nơi đó.