Với đồng bào Tây Nguyên đại ngàn, cồng chiêng đã được UNESCO xếp hạng là kiệt tác văn hóa và truyền khẩu của nhân loại. Còn với đồng bào các dân tộc ít người sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, cồng chiêng là nhạc cụ gắn bó mật thiết với mỗi một đời người. Tiếng chiêng ngân vang chào đón một đứa trẻ chào đời, tiếng chiêng trầm hùng khi làng có lễ hội. Và tiếng chiêng buồn tiễn biệt một người về bên kia núi. Tiếng chiêng dường như có sức mạnh vô hình chảy xuyên suốt qua nhiều thế hệ đồng bào dưới chân núi Trường Sơn.
Ngay tại trường dân tộc nội trú huyện Phước Sơn, sau một thời gian tập luyện, hiện tại mỗi lớp có một đội cồng chiêng. Chính các em là những nhân tố quan trọng để bảo tồn văn hóa. Ở trường, ngoài được học kiến thức khoa học, bảo tồn văn hóa, nhất là cồng chiêng được xem là nội dung quan trọng để các em góp phần giữ gìn gia sản của cha ông. Cồng chiêng được xem là môn học học ngoại khóa của trường. Hằng năm, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ hội cồng chiêng, các đội chiêng của trường luôn nhận được sự quan tâm rất đặc biệt của chính quyền địa phương...
Trước đây, tỉnh Quảng Nam rất lo lắng khi văn hóa cồng chiêng bị mai một, những bài chiêng cổ bị thất truyền. Bằng các giải pháp thiết thực nhưng không quá tốn kém như thế này, những cộng đồng dân cư nơi vùng núi cao Quảng Nam đã bảo tồn được văn hóa cồng chiêng. Sự trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ là cách tốt nhất để để tiếng chiêng cứ mãi ngân vang trong những ngày lễ hội của cộng đồng làng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!