Trong những năm kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, Hà Tĩnh là một trọng điểm đánh phá, nhằm chia cắt đường tiếp vận của ta đối với chiến trường miền Nam. Chính tại mảnh đất này, biết bao xương máu của quân và dân ta đã đổ xuống để nối liền huyết mạch giao thông ra tiền tuyến, chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.
Vào những tháng cuối năm 1968, máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, đường 1A bị tắc nghẽn. Trước tình hình đó, cấp trên chỉ thị phải mở ngay một con đường "xế" qua làng Hạ Lội để hàng trăm chiếc xe qua phà vượt sông tránh đường 1A. Với khẩu hiệu "Xe chưa qua nhà không tiếc", đêm 13/8/1968, nhân dân làng Hạ Lội đã tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà để mở đường.
Chỉ sau 8 tiếng, đoạn đường dài 1,2km hoàn thành, những chiếc xe chở xăng, lương thực, đạn dược đã chuyển bánh trên đường "xế" và xuống phà qua sông an toàn. Để bảo vệ bí mật và che mắt địch, hằng ngày, cứ sáng ra, một bộ phận dân quân ngụy trang lại đường xế, tối đến lại cất giấu ngụy trang. Cứ như vậy, đường xế được giữ bí mật để xe vận tải an toàn lên đường cho đến ngày ngừng bắn.
Trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc, có làng Hạ Lội gần 19 ngàn quả bom, 1.522 quả rốc két, làm 57 người chết, 151 người bị thương.Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của nhân dân trong một đêm dời dọn 130 nhà làm đường xế cho xe chở hàng ra tiền tuyến, tỉnh Hà Tĩnh đặt tên làng Hạ Lội là Làng K130. Năm 2006, Bộ VHTT đã có quyết định xếp hạng Làng K130 là di tích lịch sử quốc gia.
Chiến tranh kết thúc, với ý chiến kiên cường, người dân Làng K130 lại tiếp tục công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương, biến vùng đất vốn là "tọa độ chết" trở thành miền quê trù phú, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Can Lộc, Hà Tĩnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!