Thời gian vừa qua, các vụ bạo hành trẻ em ở độ tuổi mầm non đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng hệ lụy là các vụ việc tử vong thương tâm đã xảy ra gây bàng hoàng, phẫn nộ trong dư luận. Đây là bài học cho không chỉ phụ huynh mà còn với cả các đơn vị quản lý về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thành lập, hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục, cơ sở trông trẻ tự phát.
Các cơ sở mầm non tư thục dễ mở nhưng khó quản lý. Đây đang là thực trạng chung trong việc kiểm soát các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung. Trong đó có một vài địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn, mà xem đó là trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Đây được xem là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc khó quản lý, kiểm soát hoạt động của các cơ sở mầm non độc lập.
Thực tế cho thấy hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn muốn gửi con tại các cơ sở mầm non độc lập hoặc nhóm trẻ gia đình, nhất là người dân lao động. Lý do là bởi họ có thể linh động đón muộn hoặc gửi con vào những ngày nghỉ cuối tuần khi tăng ca, bận việc... có cung thì ắt có cầu. Hiện nay toàn quốc có khoảng hơn 16.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập và tư thục, trong đó có khoảng 1.500 nhóm trẻ độc lập có tối đa 7 trẻ.
Đặc biệt đáng chú ý là đối tượng công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Cả nước có gần 300 khu công nghiệp đang hoạt động, với hơn 4 triệu công nhân. Tuy nhiên, độ bao phủ của trường mầm non, nhất là nhà trẻ còn rất thấp, khoảng 25%. Đây là những vấn đề thực tế rất cần kịp thời có giải pháp tháo gỡ, trước khi có thêm các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!