Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Ba, phải thường xuyên chứng kiến những nguy hiểm rình rập, mỗi lần người dân lội sông qua lại hai bên bờ, lão nông Ksor Yan mong ước có một cây cầu vững chãi và kiên cố hơn để người dân có thể yên tâm mỗi khi qua sông.
Năm 2010, Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu nối xã Ia Kđăm với trung tâm hành chính của huyện, tuy nhiên, vì khoảng cách từ trung tâm xã Ia Kđăm sang xã Ia Ma Rơn nếu đi theo đường chính sẽ kéo dài hơn 10km nên để thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa, làm nương rẫy, nhiều người dân các xã Chư Mố, Ia Kđăm, Ia Ma Rơn vẫn bất chấp nguy hiểm chọn cách lội qua sông Ba sang bờ bên kia. Trước thực trạng trên, ông Yan tự bỏ kinh phí xây dựng cầu tạm bắc qua sông Ba. Cầu có chiều dài hơn 300m, được làm từ những tấm ván ghép lại với nhau. Nhìn bề ngoài có thể thấy được cây cầu gỗ rất chông chênh và nguy hiểm. Thế nhưng, cây cầu này lại được hàng trăm hộ dân thuộc ba xã: Ia Kđăm, Chư Mố và xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa lựa chọn mỗi khi muốn sang bờ.
Mỗi năm, khi có mưa lũ thì cầu bị cuốn trôi, ông Yan phải làm lại cây cầu khác. Để có thể duy trì cầu, mỗi phương tiện xe máy đi qua hỗ trợ ông 5.000 đồng. Đối với người đi xe đạp, người đi bộ và các cháu học sinh ông không nhận tiền. Sau hơn 10 năm làm cầu, ông nhận thấy nhu cầu qua lại ngày càng đông, chất lượng cầu khó mà đảm bảo an toàn. Thế nên mong ước lớn nhất của ông Yan, cũng như chính quyền địa phương là sớm có một cây cầu thật kiên cố để bà con có thể yên tâm đi lại.
Việc sớm có một cây cầu như mong ước của ông Yan, cũng như hàng ngàn hộ dân tại đây, sẽ góp phần rút ngắn được quãng đường tới trường của các em nhỏ cũng như nhu cầu đi lại, giao thương, vận chuyển nông sản, của người dân. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế của địa phương này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!