Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước Nêu được tổ chức trang trọng. 10 lính vác Nêu trong trang phục chỉnh tề, khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung. Dưới thời Nguyễn, ngày dựng Nêu là một dấu mốc, tạm nghỉ các công việc của triều đình. Trên ngọn cây Nêu treo ấn tín, bút lông, đoản kiếm mang ý nghĩa đây là ngày làm việc cuối cùng trong năm của triều đình. Phải chờ đến ngày hạ Nêu mồng 7 tháng Giêng mới làm việc trở lại.
Do tính chất quan trọng của lễ dựng Nêu nên chỉ có những viên quan mang hàm từ "Tam phẩm" trở lên mới được làm chủ lễ. Ý nghĩa cơ bản của lễ dựng Nêu ăn Tết là nhằm diệt trừ ma quỷ, cúng thần, cúng tổ tiên, rủ sạch mọi điều muộn phiền để bước vào một năm mới với tâm thế an lành. Lễ dựng Nêu ngày Tết tại Đại Nội Huế là nghi lễ truyền thống tốt đẹp trong tâm thức của người Việt nói chung và trong văn hóa Huế nói riêng. Sau khi Hoàng Cung dựng Nêu rồi thì dân chúng mới bắt đầu dựng Nêu ăn Tết, chính vì vậy nhà thơ Tú Xương đã viết 2 câu thơ: "Xuân từ trong ấy mới ban ra/ Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà".
Việc tái hiện nghi lễ dựng Nêu trong Hoàng Cung nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, đồng thời tạo thêm điểm nhấn văn hóa, hấp dẫn du khách khi đến với di sản Huế trong những ngày Xuân.