Đàn Âm Hồn nằm trên khu đất rộng khoảng 1.400 mét vuông, sát cửa Nhà Đồ ở phía Nam Kinh Thành Huế, được nhà Nguyễn lập ra để tế vong hồn những người hy sinh vì nước trong ngày thất thủ kinh đô Huế - đêm 22 rạng sáng ngày 23/5 năm Ất Dậu 1885. Cách đây đúng 133 năm, vị trí Đàn Âm Hồn là địa điểm diễn ra trận tập kích quy mô lớn, do quan phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết chỉ huy đánh vào đồn Mang Cá nhằm tiêu diệt đội quân hùng hậu của Pháp, giành thế chủ động và tiến tới xóa bỏ sự có mặt của người Pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy thất bại, Pháp đã phản kích, sát hại hơn 1.500 binh lính triều đình và gần 8.000 thường dân. Vua Hàm Nghi phải xuất bôn ra Tân Sở, lập chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng Pháp.
Ngay sau Lễ Tế Âm Hồn tưởng niệm ngày Thất thủ kinh đô, cùng ngày trong kinh thành Huế còn diễn ra lễ tế lớn tại Miếu Âm Hồn gần Cửa Đông Ba và hàng loạt lễ cúng tại các gia đình trong thành phố Huế. Việc người dân của cả một vùng thực hành nghi lễ cúng Ngày thất thủ kinh đô suốt hơn trăm năm qua đã trở thành phong tục tri ân mang đậm tính nhân văn, nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay.