Thừa Thiên - Huế là 1 trong 4 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển. Năm 2016, nông lâm ngư nghiệp tỉnh này tăng trưởng âm 1,16%, sự cố môi trường biển đã khiến cho lĩnh vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xác định rõ ngư nghiệp là mảng trọng yếu kéo giảm chỉ số tăng trưởng, Thừa Thiên - Huế đã tập trung khắc phục bằng việc tranh thủ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, trong đó việc hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân đi biển xa đã được tận dụng tối đa, làm chuyển đổi nhận thức về vùng khai thác cho bà con, theo đó hiệu quả kinh tế đem lại hết sức khả quan.
Tiếp đến là ngành đóng tàu của tỉnh Quảng Trị: Từ 20 đến 30 chiếc thuyền composite vào giai đoạn đầu năm 2017, đến nay tỉnh này đã có gần 200 chiếc thuyền composite để thay thế thuyền nan truyền thống trước đây của người dân. Hay việc đẩy mạnh đưa thuỷ sản của miền Trung ra nước ngoài tại Hà Tĩnh, với sự hỗ trợ của Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC, cuối tháng 8/2017, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh đã tiến hành xuất khẩu 18 tấn tôm trị giá khoảng 8,6 tỷ đồng sang thị trường Malaysia. Để có được chuyến hàng này, phía công ty đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các chủ hồ nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh để thu mua nguyên liệu...
Từ thực tế trên có thể tóm lại một cách vắn tắt 3 lĩnh vực chuyển biến mạnh nhất, góp phần quan trọng tạo nên sự đột phá về tăng trưởng trong lĩnh vực ngư nghiệp ở khu vực Bắc miền Trung là chuyển đổi vùng khai thác từ gần bờ sang xa bờ, chuyển đổi tàu cá từ vật liệu gỗ truyền thống sang vật liệu mới và tăng cường chế biến xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng trên cùng đơn vị sản lượng.
Còn 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2017, nhưng đến thời điểm này, các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ có thể lạc quan về sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực khai thác, chế biến thủy hải sản. Và thành quả này sẽ góp phần đưa ngành nông nghiệp thoát khỏi cái bóng do tăng trưởng âm của năm ngoái, tạo đà cho năm 2018 phát triển ổn định và bền vững hơn.