Vốn dĩ xa lạ với thế hệ trẻ, tuy nhiên những giai điệu, những âm thanh trung thực của máy hát băng cối luôn chạm đến cảm xúc của người nghe. Máy hát băng cối mà người miền Nam hay gọi là máy Akai tưởng chừng như bị quên lãng trước trào lưu các dòng máy nghe nhạc công nghệ hiện đại, thì nay đang được giới sưu tầm Việt Nam săn lùng. Một trong những người sở hữu khối tài sản máy nghe nhạc quý giá này là ông Phương Chánh Hùng ở thành phố biển Nha Trang
Cùng với những máy phát nhạc chạy đĩa than, đĩa đá thì nhiều máy mà ông Hùng sở hữu sử dụng băng cối. Thời cao điểm những năm 2003 – 2004, ông Hùng có đến khoảng 6.000 băng cối. Ưu điểm của băng cối là không có tiếng nổ, tiếng lép bép như đĩa than. Tuy nhiên, chơi băng cối cũng có cái khó riêng, bởi dùng không khéo băng sẽ rối, đứt hay nhiễm từ làm âm thanh bị méo.
Ông Hùng còn sở hữu một kho nhạc đồ sộ với hơn 1.500 bản nhạc xưa của Việt Nam với đầy đủ giọng hát của các danh ca trước năm 1975. Là nơi hội tụ nhiều máy phát nhạc, băng đĩa xưa nên cũng dễ hiểu khi căn phòng riêng của ông Hùng trở thành không gian dành cho những ai còn yêu, còn nhớ những thanh âm xưa tìm đến. Họ tìm đến để được nghe, được xem, được tận tay sờ vào những chiếc máy xưa như là một kỷ vật của một thời quá vãng, đánh thức và làm bay bổng những hoài niệm, mộng ước của nhiều thế hệ.
Hơn 30 năm dày công tìm kiếm, sưu tầm không chỉ là để thỏa mãn niềm đam mê thanh âm xưa của mình mà còn để ông Hùng đạt đến ước mơ là thành lập một bảo tàng, để tiếp tục lưu giữ và truyền những thanh âm xưa, những giai điệu chất chứa bao tiếng lòng một cách trung thực nhất cho thế hệ mai sau.