Hiện nay, 625 hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn đã đầy nước; 2 hồ lớn là Vực Mấu và sông Sào đã vận hành xả lũ; các hồ có nguy cơ mất an toàn là những hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp.
Các địa phương đã di dời được 154 hộ dân với khoảng 600 người ra khỏi khu vực ngập lụt.
Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập sâu, sạt lở, hư hỏng gây chia cắt, cô lập một số vùng và gây ách tắc, mất an toàn giao thông.
Để tránh nguy hiểm cho học sinh, trong ngày hôm nay (11/10) đã có 15 trường của huyện Quỳnh Lưu và một số trường của thị xã Hoàng Mai phải cho học sinh nghỉ học và tùy diễn biến của thời tiết để có phương án dạy học trong những ngày tiếp theo.
Trên 1.000 nhà dân bị ngập lụt, sạt lở, hưng hỏng.
Gần 7.000 ha cây trồng các loại bị ngập và hư hại; gần 14.000 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; gần 2.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất trắng.
Hiện tại, một số địa phương ven sông Lam đã xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông, gây nguy hiểm đến các nhà dân.
Mũa lũ đã làm 8 người chết, thuộc các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, thị xã Hoàng Mai, Đô Lương và Nam Đàn.
Theo thông tin từ văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện trên thượng nguồn các nhà máy thủy điện đang xả lũ nên nước sông Lam vẫn đang dâng lên. Vì thế những vùng gần sông, người dân cần theo dõi diễn biến mực nước để có giải pháp phòng chống ngập lụt kịp thời. Hiện tại các địa phương cũng đang tập trung huy động nhân dân ra đồng chăm sóc, khắc phục những diện tích cây trồng bị ngã đổ, khơi thông dòng chảy tiêu thoát nhanh nước nội đồng, chuẩn bị đủ nguồn giống, phân bón để tổ chức sản xuất lại vụ đông.