Hiện cả Mỹ và Nga đều tuyên bố sẵn sàng động binh khi một trong hai bên vượt qua giới hạn. Truyền thông quốc tế cũng bị đẩy vào "chảo lửa" của cuộc khẩu chiến giữa các quan chức hai bên.
Ngày 3/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh không nên liều lĩnh tấn công tỉnh Idlib, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến này có nguy cơ dẫn đến thảm họa nhân đạo khi hàng trăm nghìn người có thể thiệt mạng. Trước đó, ngày 31/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Washington coi bất cứ cuộc tấn công nào của Chính phủ Syria vào Idlib như một sự leo thang trong cuộc nội chiến tại Syria và cảnh báo, Washington sẽ đáp trả nếu Damascus tiến hành bất cứ vụ tấn công hóa học nào.
Đáp trả, Nga chỉ trích cảnh báo của Tổng thống Trump, đồng thời cho rằng sự hiện diện của phiến quân tại Idlib sẽ gây nguy hiểm cho quốc gia Trung Đông này. Theo Điện Kremlin, sự hiện diện của các tay súng phiến quân tại Idlib đang làm suy yếu tiến trình hòa bình ở Syria, đồng thời gây nguy hiểm cho lực lượng Nga tại đây.
Tỉnh Idlib hiện có khoảng 2,9 triệu dân, nhưng hàng chục nghìn người trong đó là các tay súng nổi dậy. Tại đây, ước tính có tới 10.000 tay súng thánh chiến thuộc nhóm Mặt trận Al-Nusra trước đây, một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tại Syria. Đối với Chính phủ Syria, việc đánh bại nhóm vũ trang đối lập ở tỉnh miền Bắc Idlib được xem là đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến ở nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!