Theo sử sách, năm 1783, thời Tây Sơn, ông Cao Đình Độ và con trai là Cao Đình Hương từ Thanh Hóa, được triều đình trưng tập vào kinh đô Phú Xuân, Huế ngày nay để xây dựng ngành ngân tượng, chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc, đồ trang sức cho hoàng gia. Khi đến làng Kế Môn, ông truyền dạy nghề cho người dân nơi đây và biến Kế Môn thành một làng thợ vàng, thợ bạc nổi tiếng nhất xứ đàng trong. Từ đó người dân làng Kế Môn đã hun đúc và tập hợp kinh nghiệm, bí quyết gia truyền để làm nên tên tuổi làng nghề kim hoàn Kế Môn.
Các sản phẩm của nghệ nhân Kế Môn thể hiện trình độ cao về thẩm mỹ, mang đậm sắc thái văn hóa Việt. Những nghệ nhân tài hoa Kế Môn đã chế tác nên những tác phẩm nghệ thuật kim hoàn khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh túy về giá trị thẩm mỹ và sử dụng, tạo nét riêng trong từng sản phẩm làm rạng danh nghề kim hoàn Việt Nam, giữ được dấu ấn lịch sử của một thời vang bóng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!