Hàng chục năm trước, núi Lơ Pang là vùng đất của gỗ trắc. Người dân chặt lấy gỗ để bán, để làm nhà và để lấy đất sản xuất, chỉ một thời gian ngắn cả rừng trắc lớn bị chặt sạch. Một thời gian sau, từ gốc cây cũ, những cây trắc non cũng mọc lên. Thấy cây quý, người dân đã giữ lại để trồng và chăm sóc ngay trên mảnh rẫy của mình. Điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm cho loài cây này.
Trải qua hàng chục năm, giờ đây, vườn trắc của dân làng đã lên đến hàng chục ha. Với giá cả trăm triệu đồng mỗi m3 gỗ trắc, người dân làng A Lao, xã Lơ Pang đang sở hữu một khối tài sản lớn. Nhưng điều mà họ đang làm còn quý hơn nhiều, đó là bảo vệ, bảo tồn một giống gỗ quý đang có nguy cơ cạn kiệt vì khai thác quá mức.
Diện tích gỗ trắc tại đây liên tục gia tăng vì bên cạnh khả năng tái sinh đặc biệt của loài gỗ này, người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ loại cây rừng quý. Thấy được tiềm năng cũng như nguy cơ rừng gỗ trắc sẽ biến mất thêm một lần nữa, nhưng năm gần đây, chính quyền xã, huyện cũng đang nỗ lực tìm giải pháp bảo vệ. Mong muốn của xã và người dân là kêu gọi các nhà đầu tư hay doanh nghiệp để họ có nguồn quỹ hay hướng dẫn để người dân trong làng bảo tồn lại nguồn gen của cây trắc.
Từ ý thức bảo vệ gỗ quý, việc này không chỉ tạo ra sinh kế mà còn góp phần bảo tồn sự đa dạng, góp phần nâng cao độ che phủ cho rừng cũng như tăng cường diện tích cây rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!