Trưng bày linh vật theo con giáp của năm đã trở thành truyền thống lâu đời của làng gốm Thanh Hà. Nếu như mọi năm, tượng con giáp đều do các nghệ nhân lão làng thực hiện, thì năm Nhâm Dần này, trọng trách chế tác được giao cho một nghệ nhân trẻ tuổi tài hoa. Những bức tượng hổ sống động, thần thái uy nghi ra đời đã cho thấy sự kế thừa tinh hoa gốm cổ của thế hệ trẻ làng Thanh Hà.
Sinh ra trong gia đình truyền thống làm gốm, nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Hoàng đã miệt mài bên những bức tượng gốm suốt từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Năm nay, khi được giao trọng trách chế tác tượng hổ, anh đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi từ những bậc tiền bối trong làng, rồi tẩn mẩn tìm hiểu qua sách báo, mạng Internet để có thể thổi hồn vào những tác phẩm của mình.
Để hoàn thành một mẫu tượng, cần nhiều thời gian và công đoạn chế tác khác nhau. Phải nhào đất thật kỹ để đất có độ bám chắc, sau đó tạo hình thân rồi mới đầu, chân, đuôi. Phần thân phải rỗng, đục nhiều lỗ để khi nung không bị vỡ. 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 khiến cuộc sống cư dân làng gốm lao đao vì không có khách du lịch ghé thăm. Với việc chế tác ra những bức tượng hổ bằng gốm đầy thần thái, khí phách như thế này anh Hoàng cũng gửi gắm nhiều tâm tư.
Làng gốm Thanh Hà hơn 500 năm tuổi nằm nép mình bên dòng Thu Bồn là điểm tham quan du khách không thể bỏ qua khi đến đô thị cổ Hội An. Cùng với những nghệ nhận gốm lão làng, bàn tay và tâm huyết của những người thợ gốm trẻ tuổi như anh Hoàng đã góp phần làm nên sức sống cho làng gốm, với khí phách và sự vươn lên mạnh mẽ như thần thái của những bức tượng hổ này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!