TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng

Nguyễn Hiền, Hữu ThiệnCập nhật 17:11 ngày 25/05/2022

VTV.vn-Tại một số địa phương miền Trung hiện đang ghi nhận nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện, đồng thời dịch sốt xuất huyết và dịch COVID-19 cũng đang lưu hành.

Trong tháng 4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 46 trường hợp trẻ em tới khám, trong đó có 20 ca mắc tay chân miệng, phải nhập viện điều trị. Còn từ đầu tháng 5 đến nay, số trẻ đến khám là 23 ca, trong đó có 15 ca phải nhập viện vì tay chân miệng. Chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.

Cũng theo cảnh báo của bác sĩ, thời gian gần đây, do e ngại dịch COVID-19 nên có tình trạng phụ huynh tự ý mua thuốc về nhà cho trẻ uống hoặc đến các phòng khám tư nhân mà không cho trẻ đến khám tại các bệnh viện. Điều đáng nói, nếu điều trị không đúng cách sẽ làm bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho công tác điều trị khi trẻ nhập viện.

Theo chu kỳ hàng năm dịch bệnh tay chân miệng thường bùng phát vào tháng 4 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 12. Thời điểm hiện nay, đang bước vào chu kỳ của dịch nên bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp. Hiện trên địa bàn tỉnh ghi nhận lưu hành cả 2 chủng Coxsackie A16 và EV71 gây bệnh tay chân miệng. Trong đó, chủng EV71 gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, nguy cơ cao dẫn đến tử vong.

Thời gian qua, có nhiều trẻ đã bị nhiễm COVID-19, khi mắc thêm bênh tay chân miệng sẽ khiến bệnh diễn biến phức tạp và nặng hơn. Vì thế, theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân không được chủ quan, bởi tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, chưa có vắc xin phòng ngừa. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh đang lưu hành dịch sốt xuất huyết, dịch COVID-19, nếu để xảy ra tình trạng bệnh chồng bệnh sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó, khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần sớm đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực phối hợp với địa phương và các trường học, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc ở cộng đồng, trường mầm non, đặc biệt là ở các nhóm trẻ gia đình để tiến hành cách ly kịp thời, tránh để dịch lan rộng.

Bên cạnh đó, các trung tâm đã tổ chức tập huấn, cập nhật lại kiến thức về căn bệnh này cho đội ngũ cán bộ y tế; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền thực hiện rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh các vật dụng trong trường học cho phụ huynh, người chăm sóc trẻ... Các cơ sở điều trị đều có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để thực hiện thu dung, điều trị nếu dịch diễn biến phức tạp hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!