Theo tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà mồ là nơi để người đã mất trú ngụ. Hồn của những người chết sẽ hóa thành thần giúp đỡ cho dân làng đoàn kết và gặp nhiều điều lành, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào...Trong nhà mồ có đầy đủ các vật dụng như người còn sống.
Trong nhà mồ có nhiều hình ảnh vật thể, cảnh sinh hoạt, lễ hội gần gũi với đời sống thường ngày được chế tác tỉ mỉ, khắc họa sống động. Qua những hình vẽ, có thể biết được tính cách, sở thích lúc sinh thời của người đã mất.
Đặc trưng kiến trúc rõ nét nhất của nhà mồ Cơ Tu là các họa tiết có màu sặc sỡ, nóc nhà mồ có tạc tượng đầu trâu và sơn dương, các mái che có tượng đầu gà, kỳ nhông. Quan tài được điêu khắc, mô phỏng theo hình tượng con trâu, tượng trưng cho sức mạnh và sự no đủ.
Sự khác nhau về văn hóa của mỗi vùng, sự tài hoa của người nghệ sĩ điêu khắc…đã tạo nên sự đa dạng của nhà mồ Cơ Tu.Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc nhà mồ đang được địa phương đặt ra, không chỉ lưu lại một nét văn hóa đầy bản sắc của người Cơ Tu dọc dãy Trường Sơn, mà còn mở ra những hướng đi mới trong du lịch tâm linh ở vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế .
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!