Đà Nẵng với 1,2 triệu dân, năm 2022 làm ra khoảng 5 tỷ USD. Trong khi 1 tập đoàn công nghệ như Synopsys chỉ có 20.000 nhân viên trên toàn cầu, và doanh thu 1 năm là 6 tỷ USD. Đây là 1 ví dụ cho thấy tiềm năng to lớn của vi mạch bán dẫn, và sự phù hợp của ngành công nghiệp công nghệ cao như vi mạch bán dẫn với 1 thành phố mà nguồn lực đất đai không còn nhiều để phát triển những công nghiệp thông thường như Đà Nẵng. Tuy nhiên, để nhập vào cuộc đua với tư cách người đến sau không có nhiều lợi thế về vốn hay công nghệ, thành phố Đà Nẵng buộc phải có chiến lược sáng tạo
Đà Nẵng - trung tâm của miền Trung - đặt mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp nhân sự chất lượng cao toàn cầu trong ngành vi mạch bán dẫn. Tiềm năng nhân sự là to lớn, nhưng để tiềm năng trở thành nguồn lực rõ ràng trong thực tế cũng còn nhiều trở ngại ngay từ trong khâu đào tạo. Nói một cách rõ ràng hơn, sinh viên Việt Nam hiện nay vẫn học thiên về lý thuyết và rất hạn chế trong cơ hội thực hành. Bên cạnh đó, kinh phí vẫn là trở ngại lớn nhất. Trong khi Đại học Minghsin (Đài Loan, Trung Quốc) có một dây chuyền đóng gói và test sản phẩm bán dẫn. Ngoài ra còn một khu “TSMC thu nhỏ” đang xây dựng, trong đó có những thiết bị sản xuất giống hệt thực tế tại nhà máy của TSMC – tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Thì tại các trường Đại học miền Trung, sinh viên vẫn cặm cụi trong những phòng thí nghiệm theo kiểu “con nhà nghèo vượt khó”. Việc đào tạo nhân sự ngành bán dẫn vì thế đã gặp trở ngại ngay từ trong “nôi”.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, chi phí bản quyền các phần mềm thiết kế vi mạch bán dẫn lên đến cả triệu USD, trong khi chi phí đầu tư các phòng thí nghiệm có thể lên đến hàng tỉ USD. Bởi vậy, không phải trường đại học, cao đẳng nào cũng đủ tiềm lực để đầu tư vào các thiết bị và công cụ kèm theo. Giải pháp cho vấn đề này là thành phố Đà Nẵng đang có kế hoạch xây dựng 1 phòng lab dùng chung. Ngoài ra, bên cạnh đào tạo nhân lực tại chỗ, TP. Đà Nẵng cũng có chiến lược sáng tạo để thu hút chuyên gia và nhân sự cấp cao về góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Thế giới có thể nói đang "khát" nhân sự ngành vi mạch bán dẫn. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khi định hướng trở thành trung tâm cung cấp nhân sự chất lượng cao toàn cầu. Nhiều trường đại học năm nay đã bắt đầu đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch - bán dẫn. Đây là ngành mà cùng lúc, các trường đại học mở mới nhiều nhất trong một năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!