TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Nỗ lực xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, A Lưới, Thừa Thiên - Huế

Vĩnh Lộc, Vân Giang, Nam TrungCập nhật 16:44 ngày 25/08/2022

VTV.vn - Bộ Tư lệnh Hóa học đang đẩy nhanh tiến độ xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Sân bay A So- xã Đông Sơn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế là nơi từng hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432 ngàn gallon hóa chất được rải xuống vào thời chiến tranh. Chất độc dioxin đã thấm sâu vào đất, làm nhiễm độc nguồn nước, biến nơi đây thành một "vùng đất chết".

Là "điểm nóng" với mức độ ô nhiễm dioxin rất cao, do trước đây khu vực này được quân đội Mỹ dùng làm sân bay dã chiến, tàng trữ, nạp chất diệt cỏ lên máy bay để đi phun rải và tẩy rửa máy bay sau khi phun. "Diện tích ô nhiễm Đioxin tại sân bay A So ước tính khoảng 5ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay có 16 ngàn người bị nhiễm chất độc da cam dioxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5 ngàn người. Khó có thể kể hết những hậu quả mà loại chất độc này để lại. Nỗ lực biến vùng "đất chết" được hồi sinh là mong muốn không chỉ với người dân A Lưới mà còn mục đích lớn lao hơn đó là xóa nhòa ký ức chiến tranh.

Dự án xử lý ô nhiễm dioxin sân bay A So, A Lưới được khởi công vào tháng 10 năm 2020. Việc xử lý dioxin tại A Lưới mang tính nhân văn của Đảng và nhà nước và cũng là mong mỏi của chính quyền và đồng bào dân tộc A Lưới.

Bộ Tư lệnh Hóa học đang gấp rút trải lót lớp 1 vật liệu cách ly và chống thấm và xử lý đất tồn dư đioxin tại khu vực này. Kết quả khảo sát cho thấy tổng khối lượng trầm tích cần xử lý là 35.000 m3, trong đó 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt.

Việc xử lý chất nhiễm dioxin tại sân bay A So được kết hợp bằng phương pháp xử lý chôn lấp cô lập tích cực, cùng với phương pháp sinh học, ưu điểm của phương pháp sinh học là sẽ xử lý được triệt để nồng độ dioxin ở trong đất, phục hồi môi trường tốt hơn so với các phương pháp khác. Công nghệ chôn lấp, cô lập đã từng được Bộ Tư lệnh Hóa học thực hiện ở một số dự án tại Sân bay Phù Cát- Bình Định, Sân bay Biên Hòa- Đồng Nai đã mang lại kết quả tốt, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Chất độc được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Việc triển khai thực hiện dự án Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So tiếp tục khẳng định những nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nhằm trả lại màu xanh cho vùng đất này.

Hiện nay Bộ Tư lệnh Hóa học đang đẩy nhanh tiến độ xử lý để cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2023… Vùng đất nhiễm dioxin ở A Lưới một khi được hồi sinh sẽ tạo ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế xã hội cho huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ nghiên cứu đến ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống

VTV.vn-Nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào quá trình phát triển đang là một trong những chiến lược quan trọng mà Đà Nẵng chú trọng để phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn này