Rơm được chọn lọc từ ruộng, cắt nhỏ và xử lý vi khuẩn phát sinh. Tất cả được đóng gói và đưa qua hệ thống hấp của lò điện. Kết thúc thời gian hấp trong gần một giờ đồng hồ, những bịch giống nấm rơm mới được cấy meo. Với quy trình nhân giống nấm này, hơn 98% giống nấm đưa ra thị trường từ cơ sở meo nấm rơm của ông Nguyễn Văn Nồm (Chủ cơ sở giống nấm rơm ông Nồm, huyện Phú Hòa, Phú Yên) đều đảm bảo yêu cầu. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 4000 bì giống nấm rơm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động nông thôn.
Lâu nay, tại nhiều tỉnh, thành miền Trung, các cơ sở trồng nấm đều phải mua meo giống nấm từ thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí là nhập nguồn giống trôi nổi. Thị trường giống nấm hiện cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Đó là chưa kể việc kiểm soát nguồn giống sạch bệnh là gần như không thể thực hiện. Với việc tự tạo giống nấm ngay từ cấp 1 đến khi cung cấp bịch giống tới tay người tiêu dùng từ cơ sở sản xuất giống nấm, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc khi cần.
Với việc sản xuất giống nấm, thu nhập hàng tháng của gia đình ông Nồm tăng gần gấp đôi so với trước đây. Hiện tại, giống nấm từ cơ sở của ông được bán tại hầu hết tỉnh, thành khu vực miền Trung – nơi có nguồn rơm rạ khá phong phú và điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc làm nấm. Hiện tại ông Nồm đang tìm cách đầu tư thêm một trang trại trồng nấm chủ động từ khâu làm giống tới sản phẩm, hướng tới việc cung cấp cho thị trường sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và sạch bệnh.