Chiều 27/3, tham luận tại hội thảo "Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2030", PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch nhấn mạnh, việc phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ tạo động lực cho vùng duyên hải Nam Trung bộ và đẩy mạnh phát triển tam giác động lực du lịch: Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết - Đà Lạt cũng như liên kết giữa vùng duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên… Để xây dựng Mũi Né thành khu du lịch quốc gia, ông Phạm Trung Lương cho rằng khi xây dựng quy hoạch, tỉnh Bình Thuận cần quan tâm đến các vấn đề liên kết phát triển du lịch bao gồm cả việc xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá… Bên cạnh đó, yếu tố môi trường và tác động của biến đổi khí hậu mà cụ thể là hiện trạng biển xâm thực gây xói lở cũng phải cần quan tâm.
Những năm qua, Mũi Né trở thành điểm đến nổi tiếng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, du lịch Mũi Né vẫn còn một số hạn chế như: sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đa dạng, thiếu các khu vui chơi giải trí, mua sắm, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém… Hội thảo lần này chính là dịp để các đơn vị, các chuyên gia trao đổi những "điểm nghẽn" của du lịch Bình Thuận hiện nay và đưa ra những đề xuất, góp ý nhằm giúp Bình Thuận hoàn thiện quy hoạch khu du lịch quốc gia Mũi Né.
Theo Quy hoạch của đơn vị tư vấn, đến năm 2025, Mũi Né sẽ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh, của vùng duyên hải Nam Trung bộ với lượng khách hơn 10 triệu lượt. Đây sẽ là trung tâm thể thao biển mang tầm quốc gia, là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia… Đến năm 2030, khu du lịch Mũi Né cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành khu du lịch quốc gia. Năm 2030, lượng khách đến Mũi Né, Bình Thuận khoảng 16 triệu lượt với doanh thu du lịch khoảng 58.000 tỷ đồng. Ngoài thị trường khách quốc tế truyền thống, Mũi Né sẽ tập trung khai thác mở rộng tới thị trường các nước Trung, Bắc Âu, Trung Đông… Mũi Né sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực như: du lịch biển; du lịch đô thị; du lịch văn hóa, cộng đồng; du lịch thể thao.
Tiến sĩ Ngô Thanh Loan, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, tài nguyên chính của khu du lịch Mũi Né là biển. Vì vậy quy hoạch nên có tầm nhìn xa trong bảo vệ và tôn tạo cảnh quan bãi biển đồng thời giữ lại các không gian chung cho cộng đồng. Các sản phẩm du lịch tác động thấp nhất đến cảnh quan tự nhiên…
Các đại biểu tham gia hội thảo cũng cho rằng, Bình Thuận cần đưa vào quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng thêm các trung tâm vui chơi, ẩm thực, giải trí; chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông… Về phát triển không gian du lịch, một số ý kiến cho rằng nên mở rộng Khu du lịch Mũi Né về hướng phía Bắc tới hết ranh giới xã Hòa Thắng, Hòa Phú, huyện Bắc Bình và hướng về phía Nam từ xã Tiến Thành đến Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam.
Mũi Né được biết đến với vùng biển trong xanh, bãi cát trắng và nắng vàng cùng những thắng cảnh thiên nhiên độc đáo như: Suối Tiên, bãi đá Ông Địa, Đồi cát bay… Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 xác định Khu du lịch Mũi Né (Bình Thuận) là khu du lịch quốc gia.