Trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 do biến thể Lambda gây ra tại Philippines là một phụ nữ 35 tuổi. Hiện tại Bộ Y tế Philippines chưa xác định liệu bệnh nhân này nhiễm bệnh khi ở địa phương hay từ nước ngoài trở về. Được biết bệnh nhân không có triệu chứng và đã hồi phục sau 10 ngày cách ly.
Biến thể Lambda của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2020 tại Peru, hiện đã nhanh chóng lây lan ra 41 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Tuy được WHO xếp vào danh mục biến thể "cần chú ý", là mức thấp hơn các biến thể "cần quan tâm", trong đó có biến thể Delta, nhưng đến nay chưa thể xác định liệu biến thể Lambda có nguy hiểm như biến thể Delta hay không.
Một số chuyên gia y tế các nước đã cảnh báo biến thể Lambda đang có nhiều biến đổi bất thường và có khả năng kháng vắc-xin.
Trong khi đó, nghiên cứu mới cho thấy biến thể Iota, lần đầu được phát hiện ở New York, Mỹ, có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 15-25% so với một số chủng virus SARS-CoV-2 khác.
Ngoài ra, biến thể này còn có khả năng làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở các nhóm tuổi 45-64, 65-74 và trên 75 tuổi lần lượt 46%, 82% và 62%.
Các nhà khoa học Mỹ còn cảnh báo, biến thể Iota có thể lây lan trong cộng đồng vài tuần trước khi nó có thể bị phát hiện ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!