Thượng nguồn sông Thu Bồn-Vu Gia, tỉnh Quảng Nam hiện có hàng chục thủy điện lớn nhỏ đang vận hành và đang tiếp tục triển khai xây dựng. Việc điều tiết nước vào mùa mưa luôn là vấn đề rất cấp thiết, liên quan đến an nguy người dân ở hạ du. Rút kinh nghiệm từ việc xả lũ bất ngờ, gây thiệt hại cho người dân bên dưới thủy điện, trong mùa mưa lũ năm nay, trước khi Thủy điện Đăk Mi4 xả lũ, những chiếc xe tuyên truyền đã đến tận các khu vực dân cư trũng thấp thuộc các huyện Phước Sơn, Nam Giang để người dân có phương án ứng phó.
Ngoài ra, thông tin về mực nước thủy điện, tình hình mưa lũ, thủy điện xả nước cũng được thông báo qua điện thoại các trưởng thôn phía hạ du trước nhiều giờ. Trong 2 đợt mưa lũ vừa qua, thủy điện Đắk Mi4 xả lũ lưu lượng rất lớn, có lúc hơn 2300 m3/s nhưng không có thiệt hại về tài sản của người dân như năm trước.
Quảng Nam có 4 hồ thủy điện lớn gồm Đắk Mi4, A Vương, Sông Bung 4 và Sông Tranh 2, với tổng dung tích rất lớn, gần 3 tỷ mét khối nước. Để tránh tình trạng thủy điện lớn vận hành xả nước cùng lúc, tỉnh Quảng Nam giữ vai trò quyết định điều phối vận hành hạ mực nước các hồ. Các thủy điện phải tuân thủ nghiêm Quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với các tỉnh miền Trung, ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ trọng yếu. Thiên tai gây ra thiệt hại không nhỏ cho các địa phương. Riêng tỉnh Quảng Nam năm ngoái đã thiệt hại 11 ngàn tỷ đồng do thiên tai, tương đương với 50% thu ngân sách cả năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!