Tại bãi rác Khe Đá thuộc xóm 1 xã Quỳnh Giang, hơn 1 năm trước, chính quyền xã đã phải rất kỳ công giải tỏa để thực hiện lộ trình xây dựng NTM thì nay đã phải dùng để làm bãi tập kết rác tạm thời. Thế nhưng, mới chỉ đến lần tập kết thứ 2 thì đã vấp phải sự phản đối của chính người dân nơi đây. Từ sau khi bãi rác thải của huyện Quỳnh Lưu ngưng hoạt động, từ quốc lộ, tỉnh lộ đến đường thôn, tình trạng rác ùn ứ, vứt bừa bãi gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường khiến các xã phải đau đầu tìm phương án giải quyết.
Với 100 tấn rác thải ra mỗi ngày, trong đó, ước tính khoảng 2/3 là rác thải hữu cơ, để hạn chế tình trạng ô nhiễm, ùn ứ, huyện Quỳnh Lưu đang chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân tự phân loại rác để xử lý. Đối với một số xã, thị trấn không thể có nguồn đất để bố trí được bãi rác tạm thời, công ty TNHH Thái Bình Nguyên tạm thời thu gom, vận chuyển về tập kết ngay tại đơn vị mình. Tuy nhiên, phương án dù là tạm thời này cũng đang là mối nguy khi hàng tấn rác thải được đổ ngay trên bãi đất cạnh bờ sông Thái mà chưa biết đến khi nào mới được xử lý.
Sẽ là thảm họa nếu rác không có nơi tập kết và xử lý, dù chỉ một ngày, kể cả nông thôn đến thành thị. Thế nhưng thực tế không chỉ Quỳnh Lưu mà hiện nay ở rất nhiều nơi, việc xử lý rác thải dường như chưa được quan tâm đúng mức. Không chỉ chính quyền, các cấp ngành không quan tâm quy hoạch bãi rác, đầu tư hệ thống xử lý rác thải đạt quy chuẩn, mà bản thân mỗi người dân vẫn chưa ý thức được rác thải nguy hại như thế nào đối với đời sống, và nghĩ rằng đóng một ít phí môi trường thì có thể tùy tiện xả rác, vứt rác và đẩy trách nhiệm cho xã hội.