Trước mối đe dọa của biến thể Omicron, bên cạnh việc tăng tốc tìm hiểu các đặc tính của biến thể mới này, hiện nay, các hãng dược trên thế giới đang khẩn trương đánh giá mức độ hiệu quả của vaccine hiện có, cũng như nghiên cứu, phát triển các vaccine thế hệ mới nhắm "trúng đích" vào biến thể Omicron.
Hãng dược Pfizer cho biết có thể sản xuất một loại vaccine ngừa biến thể Omicron trong vòng khoảng 100 ngày, nếu nghiên cứu cho thấy vaccine hiện tại kém hiệu quả với biến thể mới.
Giám đốc điều hành Pfizer cũng cho biết, các mũi vắc xin tăng cường của hãng dự kiến có hiệu quả ít nhất là 12 tháng và sẽ cần tiêm nhắc lại hằng năm để duy trì khả năng bảo vệ cao trước virus.
Một hãng dược khác của Mỹ là Moderna thì tuyên bố, vào tháng 3 tới, hãng sẽ đệ đơn lên Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm để xin cấp phép loại vaccine tăng cường có khả năng ngừa biến thể Omicron. Theo người đứng đầu hãng Moderna, việc nghiên cứu và phát triển các loại vaccine tăng cường chống được biến thể Omicron phải mất ít nhất 3, 4 tháng hoặc thậm chí lâu hơn, nhưng hãng sẽ đưa ra thị trường ngay khi hoàn thiện.
Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển vaccine chống lại biến thể Omicron theo các công nghệ khác nhau. Giới chức y tế Trung Quốc cho rằng các loại vaccine hiện nay vẫn có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh chuyển biến nặng và tử vong ở người mắc.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Cuba đang phát triển một phiên bản cập nhật của vaccine COVID-19 nội địa ngừa biến thể Omicron. Phiên bản này có tên là Soberana Plus với protein RBD từ biến thể Omicron
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!