Theo những nghệ nhân lớn tuổi ở Mỹ Xuyên, nghề mộc mỹ nghệ có mặt ở đây vào khoảng giữa thế kỷ 19, dưới thời vua Tự Đức. Từ những thớ gỗ vô tri những người thợ Mỹ Xuyên đã tạc nên những hình dạng rồng, phượng, ông tiên đánh cờ, Phù đổng Thiên vương... với những đường nét tinh xảo, sinh động. Để có những sản phẩm độc đáo như vậy họ thường sử dụng một dụng cụ đặc biệt có tên chàng tách. Với dụng cụ này, thợ chạm gỗ ở làng nghề có thể chạm được rất nhiều dạng khác nhau như chạm lộng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, nét trầm phù điểm tô, tạo nét thẩm mỹ, trong đồ dùng sinh hoạt, trên những đòn tay của ngôi nhà rường, thượng lưu hóa trong các công trình kiến trúc nổi tiếng ở kinh thành Huế.
Nghề nào cũng có lúc thăng trầm, nghề mộc ở Mỹ Xuyên cũng vậy, đã có lúc tưởng như mai một. Thế nhưng ngày nay, làng mộc Mỹ Xuyên đang khởi sắc, phục hồi. Những nghệ nhân ở đây từng trải qua nhiều khó khăn vất vả nhưng vẫn yêu nghề, quyết tâm bám giữ lấy cái nghề, cái nghiệp của quê hương, phục hưng những giá trị kiến trúc mỹ thuật đặc trưng của xứ Huế đi khắp đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!