Có thể nói, gần hai tháng qua, với nhiều biện pháp triển khai quyết liệt, đã có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của ngư dân về khai thác có trách nhiệm.
Lịch trình của chuyến biển thể hiện khá rõ qua những trang nhật ký khai thác. Ngày tàu cá xuất bến, ngày tàu cá trở về, vùng biển khai thác và cụ thể hơn là tọa độ khai thác...được ngư dân ghi rõ trong nhật ký. Việc ghi chép như thế được Chi cục Thủy sản Khánh Hòa kiểm chứng nhờ thiết bị định vị qua vệ tinh được lắp đặt trên tàu cá. Khoảng 1300 tàu cá khai thác xa bờ ở tỉnh Khánh Hòa, qua theo dõi của cơ quan chức năng, đều tuân thủ ghi chép nhật ký khai thác.
Những việc như thế trước đây ngư dân có thể xem nhẹ, nhưng nay thì không. Tại những vùng biển ở các tỉnh Nam Trung bộ, hầu như ngư dân nào cũng thấm thía về những hệ lụy kéo theo khi xâm phạm lãnh hải trong khai thác. Hơn nữa, thông tin về Luật Thủy sản 2017 tăng mức xử phạt đối với chủ tàu, thuyền trưởng nếu có hành vi khai thác bất hợp pháp đã đến với ngư dân. Hoạt động tuyên truyền được tăng cường tại chính những nơi mà ngư dân dễ tiếp nhận thông tin nhất, đó là những cảng cá.
Những thay đổi bước đầu trong cách khai thác của ngư dân không chỉ giúp họ và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vượt qua thách thức thẻ vàng từ EU mà quan trọng hơn, dần hình thành nghề cá có trách nhiệm- điều vô cùng có ý nghĩa đối với quốc gia biền như Việt Nam