Theo một thống kê mới đây của Tổng cục Thủy lợi, trong hơn 16.000 công trình cấp nước tập trung trên cả nước, có đến 16% công trình hoạt động kém hiệu quả, 12% công trình ngừng hoạt động. Những con số như thế không thể để tăng thêm, cũng như không thể kéo dài tình trạng nhiều công trình nước sạch đầu tư tiền tỷ, chỉ một thời gian sử dụng lại rơi vào cảnh bỏ hoang. Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã có thông tư 76 quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Theo nội dung thông tư 76, các công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn khi giao cho các đơn vị quản lý, khai thác thì các đơn vị này phải thanh toán giá trị còn lại thực tế của công trình. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/9 năm nay, được nhiều người hy vọng là sẽ chấn chỉnh những hạn chế lâu nay trong quản lý, khai thác công trình nước sạch. Tuy nhiên, đây là điều khá mới ở vùng nông thôn, bởi lâu nay, sau khi đầu tư xong công trình nước sạch, các địa phương chỉ tính đến phương án khai thác, vận hành, chứ không thu hồi vốn đầu tư công trình.
Riêng tại tỉnh Phú Yên có 71 công trình cấp nước hiện còn hoạt động, phần lớn được giao cho UBND các xã hoặc các hợp tác xã quản lý. Hầu hết các đơn vị này đều loay hoay với bài toán thu không đủ để chi vận hành công trình. Do vậy, việc thu hồi vốn đầu tư công trình nước sạch theo thông tư 76 sẽ là thách thức không nhỏ đối với địa phương. Tuy nhiên, đây là việc không thể không làm để gắn trách nhiệm đơn vị khai thác công trình nước với việc thu hồi vốn đầu tư công trình, tránh tình trạng sau một thời gian khai thác, công trình rơi vào cảnh bỏ hoang.