Tổng diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 500ha, phần lớn tập trung ở vùng cát Ngũ Điền. Trước đây, những hồ nuôi tôm đem lại nguồn kinh tế chủ lực cho bà con ở vùng ven biển, thế nhưng do thua lỗ một thời gian dài, hiện nhiều hồ nuôi tôm đã bị bỏ hoang, rau muống biển và cỏ dại mọc quanh hồ, bạt che cũng rách nhiều chổ, máy móc phục vụ nuôi tôm đã bị hoen rỉ.
Bà con đầu tư mỗi hồ nuôi tôm với số tiền từ 500-700 triệu nên việc bỏ hoang như thế này gây lãng phí rất lớn nhưng cũng đành chịu vì càng nuôi thì càng lỗ. Một vài hộ nuôi tôm cố gắng bám trụ nghề, trong đợt vừa rồi đã thả khoảng 50 ngàn tôm giống trên một hồ nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt khoảng 20%, cả hồ tôm khi thu hoạch được gần 17 triệu đồng, trừ các chi phí thì lỗ nặng. Sau thu hoạch giờ bà con đang làm vệ sinh hồ tôm nhưng cũng chưa biết khi nào mới thả vụ mới nếu tình hình vẫn khó khăn như hiện nay.
Dịch bệnh ngày càng diễn biễn phức tạp, thời tiết không thuận lợi và giá cả tôm xuống thấp làm cho việc nuôi tôm của người dân Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, vì vậy các cơ quan chức năng ở tỉnh Thừa Thiên Huế cần nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ cho người nuôi tôm.
Một yêu cầu gần như bắt buộc hiện nay là phải sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị mới có thể mang lại hiệu quả nuôi tôm trên cát. Các hộ dân không chỉ hợp tác với nhau mà phải liên kết với các doanh nghiệp, công ty để được hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn đơn vị cung ứng con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của các cấp ban, ngành và chính quyền địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!