Mỗi cây baobab có chu vi và chiều cao trung bình hàng chục mét, nhờ đó có thể chứa 120.000 lít nước. Baobab gắn liền với đời sống của người dân lục địa đen. Vỏ cây baobab có thể dùng để bện thành dây thừng, thân cây là nguồn cung cấp sợi, thuốc nhuộm và làm củi. Những thân cây rỗng được sửa sang thành những ngôi nhà thiên nhiên. Lá và quả cây được dùng làm đồ ăn và thức uống bổ dưỡng. Khi quả baobab được thị trường châu Âu cấp phép lần đầu tiên cách đây gần 10 năm, nó đã được công nhận là thực phẩm cao cấp. Quả baobab chứa một thứ bột khô tự nhiên không cần qua phơi sấy với hàm lượng vitamin C gấp 6 lần cam, kali gấp 6 lần chuối, canxi gấp đôi sữa, nhiều sắt hơn thịt đỏ, nhiều magnesium hơn cải bó xôi, nhiều chất chống oxy hóa hơn việt quất và lượng xơ tốt cho tim mạch nhiều gấp 30 lần rau diếp. Bột quả baobab được sử dụng để chế biến bánh mứt, sinh tố, nước sốt, gia vị và mỹ phẩm. Mỗi năm có hàng trăm tấn quả baobab được đưa đến các nhà máy chế biến để được nghiền thành bột và ép lấy dầu từ hạt. Cách đây 15 năm doanh nhân người Mỹ Dan Nessel đã thành lập công ty dinh dưỡng Limitless Good, bán bột baobab với doanh số mỗi năm từ việc kinh doanh thực phẩm này hiện đã lên đến hàng trăm ngàn USD.
Được biết, xuất khẩu quả baobab nguyên liệu của châu Phi đã tăng từ 50 tấn trong năm 2013 lên 450 tấn trong năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 5.000 tấn vào năm 2025, giúp xuất khẩu baobab trở thành một ngành công nghiệp trị giá 400 triệu USD. Nhu cầu với quả của loài siêu thực vật này ngày càng tăng đã giúp cải thiện đáng kể thu nhập của người dân châu Phi, góp phần giảm chặt phá rừng và bảo vệ đa dạng sinh học.
Ở thị trấn Sunland ở tỉnh Limpopo của Nam Phi có một cây baobab cổ thụ hàng ngàn năm tuổi với đường kính hơn 45m và có 2 khoang rỗng thông nhau bên trong thân cây to đến mức người dân trong vùng đã mở một quán rượu bên trong thân cây. Trong suốt 2 thập kỉ, quán rượu baobab này đã thu hút rất nhiều du khách. Vào năm 2016, thân cây bị gãy, 8 tháng sau, một nhánh cây lớn khác gãy đổ. Hiện tại, 5 thân cây lớn của cây baobab này đã gãy đổ và chết, và chỉ một nửa cây còn sống. Không chỉ những cây baobab khổng lồ lâu đời chết đi mà cả những cây baobab trưởng thành khác cũng đang chết dần với tốc độ đáng ngại, đặc biệt ở những vùng của châu Phi nơi khí hậu nóng lên nhanh nhất. Nguyên nhân cho sự suy giảm số lượng này vẫn chưa được tìm thấy nhưng các nhà khoa học đang không cho rằng cái chết của những cây baobab là do bệnh tật.
Mặc dù vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn tới cái chết bất ngờ của những cây baobab cổ thụ, song phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng baobab là nạn nhân tiếp theo của hiện tượng nóng lên toàn cầu và hạn hán. Những gì đang xảy ra với cây baobab ở châu Phi có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một tương lai không còn loài siêu thực vật khổng lồ này nữa.