TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: Bất cập quản lý điện nông thôn

VTV8Cập nhật 16:34 ngày 21/10/2018

VTV.vn -Mất an toàn lưới điện là bất cập một phần trong quản lý điện nông thôn khiến người dân phải đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm từ hệ thống lưới điện không đảm bảo an toàn.

Năm 2012 Chính phủ chủ trương giao cho Tập đoàn điện lực Việt Nam đến năm 2015 phải bán điện trực tiếp đến tất cả các khách hàng. 6 năm qua chủ trương này đã được các tỉnh thành trên cả nước và tập đoàn điện lực Việt Nam tổ chức thực hiện. Song theo đánh giá của Tổng công ty điện Lực Miền Trung – đơn vị được giao quản lý đầu mối thuộc 13 tỉnh thành khu vực Miền Trung Tây Nguyên thì quá trình tiếp nhận hệ thống điện lưới và cung cấp điện nông thôn diễn ra nhiều thuận lợi, chất lượng cung cấp điện ở những địa phương chuyển giao nâng lên rõ rệt, song ở những địa phương do nhiều nguyên nhân khác nhau nên dịch vụ cung ứng điện đến người dân còn nhiều bất cập. Thực tế ở huyện Phú Lộc – Thừa Thiên Huế là ví dụ cho mô hình quản lý điện còn nhiều  bất cập – Việc bán điện qua hợp tác xã đã khiến cho điện lưới mất an toàn và người dân còn chịu nhiều thiệt thòi.

Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn 4 tổ chức mua bán điện dưới hình thức HTX, Công ty cổ phần với số lượng khách hàng hơn 26.500 người. Dù còn tồn tại nhiều bất cập song do nhiều vướng mắc nên các đơn vị này vẫn chưa bàn giao cho Điện lực Thừa Thiên Huế tiếp nhận và quản lý.

Thực tế cho thấy, ở những địa bàn nào việc tổ chức chuyển giao điện lưới về các công ty Điện lực quản lý thì hiệu quả mang lại rõ rệt, những nơi mô hình quản lý còn giao cho các hợp tác xã  thì ngược lại, bởi các HTX mới chỉ lo việc khai thác tối đa lưới điện sẵn có được hình thành trong quá khứ để hưởng chênh lệch giá điện mà chưa quan tâm đầy đủ, chưa có thực lực trong việc đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện. Ví dụ như tại Quảng Ngãi, mặc dù Tổng công ty Điện Lực Miền Trung đã nhiều lần kiến nghị địa phương này có giải pháp đẩy nhanh tiến độ chuyển giao, song hiện vẫn còn 36 xã vẫn hoạt động theo mô hình cũ mặc dù lợi ích, hiệu quả kinh tế ở những nơi chuyển giao thành công là rất rõ.

Đức Phổ là huyện đầu tiên bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý vào năm 2015. Sau khi nhận bàn giao, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã đầu tư hơn 221 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp lưới điện.

Đến năm 2018, lưới điện hạ áp nông thôn của 66 xã  vẫn  do các Hợp tác xã và công ty cổ phần điện các huyện quản lý. Không đủ nguồn lực đầu tư khiến lưới điện nông thôn xuống cấp, tình trạng  điện kém chất lượng, mất an toàn, hao tổn điện năng, gia tăng chi phí dùng điện cũng đã trở thành vấn đề nóng và gia tăng bức xúc  ở nhiều địa phương

Tính đến đầu tháng 10 này, Tổng công ty Điện lực Miền Trung đã tiếp nhận và quản lý bán điện trực tiếp trên địa bàn 655 xã và bán điện cho khoảng 930 nghìn hộ dân, nâng tỉ lệ số xã trên địa bàn mà đơn vị này quản lý bán điện trực tiếp lên đến 93,0 %/ tổng  số xã có điện lưới quốc gia. Điều đáng quan tâm là hơn 6 năm qua vẫn còn 106 xã vẫn do các công ty cổ phần hoặc hợp tác xã tổ chức bán điện. Như đã đề cập ở phóng sự vừa rồi, phần thiệt rõ ràng  thuộc về người dân và gây khó khăn trong việc quản lý. Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Miền Trung phân tích rõ hơn về điều này.

Xuống cấp, thiếu nguồn lực đầu tư kéo theo những bất cập trong quản lý điện nông thôn ở một số địa phương có thể xuất phát từ nguyên nhân các đầu mối quản lý chưa tìm được tiếng nói chung  và trên thực tế đã  làm chậm tiến độ thực hiện chủ trương hiện đại hóa ngành điện. Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục bàn bạc với những địa phương còn lại  để tìm giải pháp cho vấn đề này, theo đó khâu quan trọng nhất là thống nhất với chủ tài sản lưới điện về giá trị hạ tầng, giải quyết công ăn việc làm của người lao động tại các công ty cổ phần hay Hợp tác xã vốn là rào cản lâu nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Những con đường gây bức xúc giữa lòng Đà Nẵng

VTV.vn - Hơn 7 năm qua, người dân ở một con đường tại TP Đà Nẵng phải sống chung với cảnh mưa lầy nắng bụi, những ổ voi ổ trâu và nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.