TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

[Tiêu điểm] Quan hệ Mỹ - Trung: Leo thang căng thẳng từ chiến tranh thương mại

Tường Vy, Mi Bình, Xuân HòaCập nhật 09:16 ngày 04/10/2018

VTV.vn - Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, chưa bao giờ quan hệ Mỹ và Trung Quốc lại ở mức xấu như hiện nay.

Trong một động thái mới nhất, cả Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra những quyết định khá cứng rắn, đẩy cuộc tranh chấp thương mại càng thêm căng thẳng, tiếp tục tạo thêm những phức tạp mới trong mối quan hệ hai nước.

Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố hủy kế hoạch thăm Bắc Kinh để gặp các quan chức cấp cao Trung Quốc nhằm thảo luận về các vấn đề an ninh vào trung tuần tháng 10.

Trước đó, phía Trung Quốc bất ngờ hủy chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Bắc Kinh cũng từ chối đề nghị của Hải Quân Mỹ đưa tàu tấn công đổ bộ USS Wasp ghé thăm cảng tại Đặc khu hành chính Hong Kong trong tháng 10.

Vào cuối tháng 9, Nhà Trắng đột nhiên tuyên bố trừng phạt Bộ Phát triển trang bị Quân ủy trung ương Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này là Trung tướng quân đội Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Lý do mà Mỹ đưa ra là Trung Quốc đã vi phạm luật pháp của Mỹ khi tiến hành giao dịch mua bán máy bay chiến đấu Su-35 và tên lửa phòng không S-400 của Nga

Đáp trả động thái này, Bộ ngoại giao Trung Quốc triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Brandstad để trao công hàm phản đối các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt.  

Và trong một diễn biến mới nhất, Trung Quốc thông báo hoãn các cuộc đối thoại an ninh sắp tới với Mỹ, đồng thời cho biết cuộc gặp dự kiến giữa Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước đã bị hủy.

Theo đánh giá của các nhà phân tích Nhật Bản, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ có thể sẽ kéo dài và tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới. Mục tiêu của Chính quyền Trump trong cuộc chiến thương mại là nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc và bảo hộ để phát triển các ngành sản xuất trong nước, từ đó sẽ giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Theo dự báo của các chuyên gia Nhật Bản, cuộc chiến thương mại có thể kéo dài và trở thành cuộc chiến thương mại lớn nhất kể từ năm 1930. Kịch bản tốt nhất cho việc kết thúc cuộc chiến thương mại này là các cuộc đàm phán, với sự nhượng bộ của các bên. Một số chuyên gia khác lại phân tích là chính quyền Trump đang muốn làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, trước nguy cơ kinh tê nước này vượt qua Mỹ vào năm 2030.

Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice dự báo leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho hai nước nói riêng và cho cả nền kinh tế thế giới nói chung. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm. OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 3,7% trong năm 2018 và 2019, giảm lần lượt 0,1 và 0,2% so với dự báo hồi tháng 5 vừa qua. Ngoài ra, báo cáo của OECD cũng cảnh báo căng thẳng thương mại đang làm gia tăng bất ổn, đe dọa các nền kinh tế phát triển và mới nổi khi để lại những tác động tiêu cực tới đầu tư, việc làm và điều kiện sống trên toàn cầu.

Khó có thể biết được bên nào giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Vấn đề đáng quan tâm lúc này là những hậu quả mà nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu. Nếu tình hình leo thang hơn nữa, cái giá mà hai nước cũng như cả thế giới phải trả trong lĩnh vực kinh tế sẽ nhanh chóng tăng cao.