Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, tính rủi ro theo đó cũng tăng cao. Việc mà các hộ nuôi trồng thủy sản cần làm là tăng cường tính chủ động để giảm thiểu sự phụ thuộc vào thiên nhiên, cũng có nghĩa là giảm thiểu thiệt hại, trong đó khâu quy hoạch cần phải đi trước một bước. Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là điểm yếu nhất trong chuỗi sản xuất – không có quy hoạch, hay quy hoạch đi sau, thậm chí là sau quá chậm, trong khi nhu cầu phát triển của thực tiễn đã vượt xa tầm quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Sau mỗi sự cố như vậy, nguyên nhân sâu xa cũng đã được nhận diện là do phát triển quá nóng, phá vỡ quy hoạch. Nói vậy, nhưng trên thực tế, nhiều địa phương chẳng hề có quy hoạch nào cho vấn đề này - bước đi đầu tiên để các vùng nuôi phát triển bền vững, dù hoạt động này đã phát triển cả chục năm nay.
Cơ quan chức năng thì mãi vẫn chưa xong quy hoạch, còn người dân thì cứ nhìn nhau mà làm. Diện tích, mật độ nuôi tăng chóng mặt, thống kê chưa đầy đủ tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có trên 5.500 lồng bè nuôi cá. Trong khi chờ đợi quy hoạch, một số ít địa phương đã bắt đầu tăng cường công tác quản lý theo Quyết định 60 của UBND tỉnh ban hành hồi tháng 8/2016 và bước đầu đã đem lại hiệu quả. Ngay tại những nơi đã không ít lần xảy ra cá chết hàng loạt, nhưng nay đã có những chuyển biến tích cực.
Kết quả bước đầu tại xã Hải Dương có thể coi là điểm sáng để chia sẻ với các địa phương khác về cải thiện, tăng cường công tác quản lý. Nhưng để giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững thì nhất thiết khâu quy hoạch cần được quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai. Hơn thế quy hoạch hợp lý và thực hiện nghiêm túc quy hoạch sẽ còn giúp người nuôi cá lồng bè hạn chế tình trạng cung vượt cầu, thất bại do rớt giá.