Đất văn vật cố đô sông Hương núi Ngự, mãi mãi lấp lánh niềm tự hào – thành phố thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quãng thời gian 2 năm 1898 – 1900 sống ở làng quê Dương Nỗ chưa phải là dài nhưng lại được các nhà nghiên cứu đánh giá là dấu mốc gắn với những bước đi đầu tiên trên con đường học vấn của Nguyễn Sinh Cung.
Tháng 5 năm 1906, ông Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô Huế nhậm chức quan Thừa biện - trông coi việc học ở trường Quốc Tử giám. Nguyễn Sinh Cung lúc này có tên gọi là Nguyễn Sinh Côn. Thực tế xã hội sinh động của Việt Nam nói chung, tại Kinh đô Huế và trường Quốc học nói riêng khiến nhiều học sinh vượt ra khỏi khuôn khổ của nền giáo dục nô dịch, nuôi dưỡng lòng yêu nước, khát khao độc lập, tự do mà điển hình là Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành với lý tưởng ra đi tìm đường cứu nước.
Dấu tích của Người trên đất Huế khiến chúng ta tin rằng tại những địa chỉ văn hóa này cậu thiếu nhi Nguyễn Sinh Cung từng nghe cha mình kể lại cuộc nổi dậy của vua Hàm Nghi kết thúc trong thất bại và bị đi đày. Anh thư sinh Nguyễn Tất Thành từng sống và chứng kiến cuộc nổi dậy bại lộ của vua Thành Thái…Và rồi từ nơi ươm mầm này Người đã ra đi tìm đường cứu nước.