Các cấp chính quyền địa phương tại Đắk Lắk chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả, làm cho an ninh nông thôn diễn biến phức tạp.
Tại huyện Ea Súp - địa phương có nhiều diện tích rừng, đất rừng bị người dân lấn chiếm, sử dụng trái phép nhiều nhất cũng đang diễn ra tình trạng mua bán, sang nhượng đất rừng trái pháp luật một cách công khai nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.
Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện Ea Súp có trên 9.350 ha đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trái phép, trong đó có hàng ngàn ha đất lâm nghiệp đã sang nhượng, mua bán trái pháp luật. Thậm chí, trên địa bàn còn hình thành các đầu nậu, đường dây mua bán đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép chưa được xử lý.
Qua điều tra, xác minh của các đơn vị chức năng, chỉ riêng tại các tiểu khu 276, 280 thuộc lâm phần quản lý của xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) đã có hàng chục trường hợp mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép, với trăm ha đất rừng.
Mới đây, vào tháng 3/2018, ông Hồ Sỹ Tuấn, 55 tuổi, là Công an thường trực xã Cư M’lan đã tự ý bán 10 ha đất rừng trái phép tại tiểu khu 280 cho các đối tượng ở huyện Krông Bông.
Huyện Ea Súp cũng có trên 50% cán bộ, đảng viên đang quản lý, sử dụng hơn 2.300 ha đất có nguồn gốc là đất lâm nghiệp. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ea Súp đã có văn bản gửi các tổ chức Đảng trên địa bàn yêu cầu cán bộ, đảng viên kê khai diện tích đất có nguồn gốc lâm nghiệp đang sử dụng. Huyện ủy Ea Súp đang tiếp tục làm rõ để xử lý một số cán bộ, đảng viên lấn chiếm, sang nhượng đất rừng trái phép...
Tỉnh Đắk Lắk cần kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng cũng như các đầu nậu mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép, đồng thời thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác thu hồi toàn bộ đất rừng lấn chiếm trái pháp luật (kể cả việc phá bỏ toàn bộ diện tích cây trồng, những công trình xây dựng trên diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm trái phép) để trồng lại rừng theo đúng quy hoạch của Nhà nước.