Sau một thời gian tích cực tuyên truyền, gắn với nhiều giải pháp thiết thực, việc khai báo, truy xuất nguồn gốc thủy sản tại một số địa phương đã có những cải thiện đáng kể. Và một khi ngư dân có ý thức đây là việc làm cần thiết liên quan đến lợi ích của họ thì khâu truy xuất nguồn gốc thủy sản sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều .
Để được cập tàu vào cảng bán cá, các thuyền trưởng phải báo trước với Ban quan lý cảng cá 1 ngày và mọi thông tin về chuyến biển đều phải được khai báo. Quy định này được các tàu cá thực hiện nghiêm túc, bởi nếu không như vậy thì không thể vào cảng. Tại Ban quản lý cảng cá, các tờ khai về nguồn gốc thủy hải sản khai thác được sắp xếp theo thời gian và lưu trữ. Mặc dù tuyệt đại đa số hải sản đưa vào bán tại cảng cá Thuận An đều phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, nhưng các lô thủy sản vẫn có báo cáo để làm cơ sở, nếu trong trường hợp xuất khẩu cần truy xuất nguồn gốc.
Đó là với những tàu vào bán cá trực tiếp tại cảng, còn với việc ngư dân bán cá ngay trên biển cho các tàu dịch vụ hậu cần, thu mua cá thì cũng được cảng cá Thuận An tổ chức thực hiện tương tự. Bởi dù có thu mua ở nhiều vùng và từ nhiều tàu khai thác, thì tàu hậu cần cũng phải đưa cá về cảng và như thế khâu khai báo truy xuất nguồn gốc vẫn được thực hiện theo quy trình
Thực tế cho thấy việc tuyên truyền để bà con ngư dân thực hiện đúng quy định theo Luật thủy sản, cũng như theo các khuyến nghị của EC, thì các giải pháp phải thiết thực và liên quan mật thiết đến hoạt động đánh bắt, tiêu tục hải sản của ngư dân. Chỉ có như vậy, thì việc truy xuất nguồn gốc thủy sản mới được bà con tự gíác thực hiện và sự thay đổi về ý thức sẽ là nền tảng để chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.