TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Ứng phó bão số 11, Thừa Thiên Huế thực hiện lệnh cấm biển

TTXVNCập nhật 07:00 ngày 16/10/2017

Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Từ ngày 15/10, tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện lệnh cấm biển đối với tất cả phương tiện tàu thuyền đánh bắt trên biển và trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi và sắp xếp cho hơn 2.000 tàu, thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và vùng đầm phá vào bờ, sắp xếp trú ẩn tại các địa điểm an toàn.

Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), gần 300 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 57 tàu đánh bắt xa bờ đã tập kết vào bờ an toàn. Âu thuyền Phú Hải sắp xếp cho hơn 300 tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão số 11. Ngoài việc cấm biển, các địa phương trong vùng quản lý chặt chẽ tàu thuyền và tổ chức neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn, nhất là số thuyền vùng bãi ngang hoạt động trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tuyệt đối không cho tàu thuyền lén lút hoạt động trên biển và vùng đầm phá; tổ chức trực ban, thường xuyên kiểm tra các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện.

Cảng vụ Thừa Thiên - Huế đang  tập trung theo dõi sát diễn biến của bão để thông báo hướng dẫn các phương tiện vận tải qua vùng biển Thừa Thiên - Huế, chủ động đảm bảo an toàn ra vào cửa Thuận An và cảng Chân Mây. Các chủ công trình hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thời tiết; thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; chủ động chuẩn bị ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết. Tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ dân sinh tại các địa bàn xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ". Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn.

Các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công các công trình thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước hiện đang thi công dở dang có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công, đồng thời cảnh báo cho người dân biết các khu vực nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra; nạo vét, khơi thông dòng chảy, hệ thống thoát nước tránh các ngập úng cục bộ xảy ra. Đài khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ, tăng mật độ bản tin dự báo phục vụ công tác chỉ đạo vận hành các hồ chứa, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân chủ động ứng phó.

Hà Tĩnh: Vướng mặt bằng khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ

VTV.vn-Vướng mắc về giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến hàng loạt dự án ở Hà Tĩnh bị chậm tiến độ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công vì thế cũng không được như kỳ vọng.