TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Văn hóa rừng của người Cơ Tu

Huy Kha, Đình Hiệp (VTV8)Cập nhật 09:54 ngày 09/08/2018

VTV.vn - Trong hoàn cảnh nào, trong môi trường nào thì núi rừng luôn hiện diện và hòa quyện vào trong từng sinh hoạt trong đời sống của người Cơ Tu.

Từ nhiều đời qua với người Cơ Tu, rừng luôn tồn tại như một giá trị vĩnh hằng. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao, khi mà tại nhiều địa phương rừng bị tàn phá nghiêm trọng thì ở huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam, những cánh rừng đại ngàn vẫn được bảo tồn, gìn giữ.

Không chỉ là những câu hát, người Cơ Tu Tây Giang còn khôi phục, truyền dạy cho cộng đồng trong từng bản làng gìn giữ những sinh hoạt văn hóa liên quan đến rừng. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, những phong tục đẹp, ăn sâu vào tiềm thức người dân như "Lễ tạ ơn rừng" được bà con phục dựng. Việc lập hội đồng già làng, phối hợp cùng các ngành chức năng quản lý rừng đi tìm những cội cây thiêng, rồi lập đàn, làm lễ tạ ơn rừng là một trong những cách làm tôn vinh giá trị của rừng, từ đó kêu gọi cộng đồng tham gia vào công cuộc bảo vệ rừng.

Vào các dịp lễ hội, nếu đến với các bản làng Cơ tu vùng cao, du khách có thể nghe những  lời khấn của các già làng gửi đến thần linh, với Mẹ rừng cầu mong về một cuộc sống bình yên, ở đó con người và thiên nhiên là một.

Gắn với rừng, mang ơn rừng, đó không chỉ là cách ứng xử với tự nhiên; thậm chí với văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số Trường Sơn đây còn là tín ngưỡng. Bằng chứng là những cánh rừng Thiết Lim cổ không chỉ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, mà còn được xem là di sản thiên nhiên - Rừng di sản Pơ Mu cũng ở Tây Giang là ví dụ tiêu biểu. Một khi văn hóa giữ rừng đã ăn sâu đời sống tinh thần của người dân, mang lại cuộc sống bình yên thì bảo vệ rừng đối với đồng bào Cơ Tu là cả trách nhiệm và bổn phận.

Không chỉ với các Già làng có uy tín, mà hiện nay với cả thế hệ trẻ, văn hóa giữ rừng của đồng bào Cơ Tu cũng đã bắt rễ đến từng thôn bản. Hàng năm cứ đến dịp đầu hè, dưới các tán rừng nguyên sinh, hay trước các sân Gươl truyền thống, Lễ Tạ ơn rừng đều đặn diễn ra. Thông qua những điệu múa Tung Tung Da Dá hay những điệu lý, lời Khan…những nét đẹp văn hóa Rừng của đồng bào Cơ Tu vùng biên cương này cứ thế mà lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tạ ơn rừng đã cho những mùa vàng bội thu. Tạ ơn rừng sau những thành quả có được trong cuộc sống. Với người Cơ Tu điều ấy còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm lan tỏa, trân trọng những giá trị đích thực mà thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống mỗi người. 

Những con đường gây bức xúc giữa lòng Đà Nẵng

VTV.vn - Hơn 7 năm qua, người dân ở một con đường tại TP Đà Nẵng phải sống chung với cảnh mưa lầy nắng bụi, những ổ voi ổ trâu và nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.