Nhà Gươl là nơi đồng bào Cơ Tu lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục truyền thống, âm nhạc dân tộc, đặc biệt là sự độc đáo về nghệ thuật tạo hình, kiến trúc và điêu khắc mang lại một nét bản sắc văn hóa riêng độc đáo của người dân tộc vùng cao Thừa Thiên Huế. Với người CơTu, nhà Gươl có vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ.
Nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu xây dựng theo một phong cách riêng biệt: Phía trên hai đầu nhà được chạm, khắc hình gà trống hoặc hai đầu trâu. Bên trong nhà được chạm các hình ảnh sinh hoạt, các điệu múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng. Ở giữa nhà có một cái trụ to, xung quanh nhiều trụ nhỏ kết nối với nhau thành hệ thống vững chắc khẳng định uy quyền, sự lớn mạnh của bản làng.
Nhà Gươl được coi là chốn linh thiêng dùng để thờ tự và nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu. Vì vậy việc gìn giữ bảo tồn và phục hồi nhà Gươl chính là gìn giữ bản sắc văn hóa riêng có của người dân tộc vùng cao này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!