TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Xin ý kiến Chính phủ hướng xử lý 133 xe BMW giả giấy tờ

TTXVNCập nhật 08:00 ngày 23/08/2018

133 chiếc BMW bị nghi "buôn lậu" của Công ty Cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto) nhập khẩu về Việt Nam, hiện đang lưu giữ tại Cảng VICT – TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)

VTV.vn - Bộ Tài chính vừa có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý đối với lô xe 133 chiếc BMW bị nghi "buôn lậu" của Công ty Euro Auto.

Vụ việc của Euro Auto được đề cập vào cuối năm 2016. Bộ Tài chính thời điểm ấy sau khi thanh kiểm tra đã phát hiện Euro Auto tự ý tiêu thụ lô hàng ôtô nhập khẩu BMW khi chưa được cơ quan hải quan cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan.

Theo đó, công ty này đã không cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ôtô BMW do công ty nhập khẩu và có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng. Tổng cục Hải quan (TCHQ) sau đó đã tạm dừng thông quan các lô hàng nhập khẩu xe ô tô BMW.

Thông tin cụ thể hơn về những sai phạm của Euro Auto, Bộ Tài chính cho biết: Euro Auto đã làm giả và sử dụng 133 invoice, Packing list giả để làm thủ lục hải quan; công ty không khai báo các khoản phí hơn 105 triệu đồng là khoản phải cộng vào trị giá hàng hóa nhập khẩu để tính thuế, dẫn đến thiếu số thuế phải nộp gần 180 triệu đồng.

Bộ Tài chính dự kiến xử phạt về hành vi "không khai hoặc khai sai khác làm thiếu số tiền thuế phải nộp" quy định tại điểm g khoản 2 Điều 8 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/ND- CP của Chính phủ. Hình thức phạt chính là phạt tiền 20% số liền thuế khai thiếu.

Theo quy định hiện hành, 133 xe ô tô nêu trên không đủ điều kiện để làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, nếu Euro Auto đề nghị cho tái xuất lô hàng 133 xe ô tô BMW nêu trên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì sẽ cho phép tái xuất theo quy định; đồng thời sẽ hoàn trả lại cho Công ty tòàn bộ số tiền thuế đã nộp đối với lô hàng này.

Còn trong trường hợp công ty muốn tiếp tục nhập khẩu 133 xe ô tô BMW trên vào Việt Nam, thì hiện nay pháp luật chưa có quy định. Bộ Tài chính cũng cho biết điều này vượt quá thẩm quyền của Bộ và TCHQ, cần phải xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, vào ngày 14/8, Bộ Tài chính đã làm việc và thông báo cho phía Euro Auto các sai phạm của đơn vị này. Phía Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã kết luận việc làm giả giấy tờ, hồ sơ trên của Euro Auto. Trong buổi làm việc với Bộ Tài chính hồi tháng 1/2017, Tập đoàn BMW AG (Đức) cũng đã thừa nhận phía Euro Auto đã làm giả các chứng từ trên.

Trong số xe trên, theo ghi nhận Euro Auto đã làm giả một số hóa đơn thương mại có giá trị thấp hơn hóa đơn thật do AG phát hành để trốn gần 6,5 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu.

Sau khi nghe thông báo, phía Euro Auto và Công ty Sime Darby(Malaysia, nhà đầu tư của Euro Auto) đã xác nhận việc làm giả trên và sai phạm của Euro Auto trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Qua đó, Bộ Tài chính dự kiến xử phạt vi phạm hành đối với Euro Auto về hành vi "sử dụng chứng từ, tài liệu giả mạo, không hợp pháp, không đúng với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để khai, nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan mà không phải là tội phạm". Mức phạt theo quy định có thể từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng và bổ sung hình phạt tịch thu toàn bộ chứng từ, tài liệu giả do công ty đã sử dụng để xuất trình làm thủ tục hải quan cho 133 xe nêu trên.

Mặt khác, theo Bộ Tài chính, phía Euro Auto cũng có thêm sai phạm là không khai báo các khoản phí xấp xỉ 106 triệu đồng. Việc này dẫn tới thiếu số thuế phải nộp là gần 180 triệu đồng. Bởi vậy, cơ quan chức năng dự tính xử phạt thêm công ty về hành vi không khai hoặc khai sai khác làm thiếu số tiền thuế phải nộp". Hình thức phạt chính là phạt tiền 20% số tiền thuế khai thiếu.

Về lô 133 xe trên, đây là lô hàng không đủ điều kiện để làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam. Bởi vậy, theo Bộ Tài chính, nếu Euro Auto đề nghị cho tái xuất lô hàng 133 xe ô tô BMW ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì sẽ cho phép tái xuất đồng thời sẽ hoàn trả lại cho doanh nghiệp này toàn bộ số tiền thuế đã nộp đối với lô hàng này.

Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) – Bộ Công an đã khởi tố 3 bị can: Nguyễn Đăng Thảo – Tổng Giám đốc, Nguyễn Thị Minh Yến – nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh của Euro Auto, Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Công ty Việt Á (Công ty làm dịch vụ hải quan cho Euro Auto) về tội buôn lậu.

Ngày 4/6/2018, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng, truy tố 3 bị can trên và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh để truy tố, xét xử theo quy định.