Đường Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương trở thành tuyến đi bộ hấp dẫn và thu hút khách du lịch đến Huế. (Ảnh: TTXVN)
Trong các tuyến phố trên, tuyến đường Phạm Ngũ Lão lâu nay được gọi là "phố Tây". Nếu triển khai rộng khu "phố Tây" ra các trục đường vừa nêu trên, nhà mặt tiền ở các tuyến phố đi bộ này sẽ được sử dụng toàn bộ vỉa hè để kinh doanh. Người kinh doanh chỉ phải đóng một khoản kinh phí sử dụng vỉa hè cho Nhà nước để phục vụ công tác quản lý, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự.
Song song, thành phố Huế sẽ cấm tất cả các loại phương tiện từ 18h hôm trước đến 2h hôm sau vào các ngày từ thứ Sáu đến Chủ nhật hàng tuần để ưu tiên cho người đi bộ và các hoạt động kinh doanh buôn bán.
Theo thống kê của UBND phường Phú Hội (thành phố Huế), khu "phố Tây" có khoảng 250 hộ dân, với khoảng 1.500 phương tiện, bao gồm cả ô tô, mô tô, xe đạp... Để giải quyết nhu cầu nơi giữ xe cho người dân và du khách, phường thực hiện bố trí 5 điểm, bãi giữ xe; trong đó hầu hết là các điểm giữ xe gần "phố Tây" để người dân, du khách thuận tiện đi lại. Sắp tới, thành phố Huế còn sử dụng phần đất của sân vận động phía đường Nguyễn Thái Học để làm bãi giữ xe.
Bên cạnh đó, cầu Trường Tiền cũng sẽ được khai thác cho du khách đi bộ, dự kiến không cho các phương tiện giao thông qua lại vào một số thời điểm cuối buổi chiều tối một số ngày cuối tuần. Hiện, tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư 3,8 tỷ đồng sửa chữa cây cầu này. Ở lần sửa chữa này, cầu cũng sẽ được gắn lại bảng tên theo đúng tên gọi là Tràng Tiền chứ không phải Trường Tiền do lần trùng tu giai đoạn 1991-1995 của Công ty cầu 1 Thăng Long cầu có một số chi tiết khác hẳn nguyên bản, trong đó gắn biển tên cầu bị sai.