Tại nhiều xã ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, 90% diện tích đất canh tác đều được nông dân đầu tư trồng keo. Trong khi đó, những năm trước, quỹ đất này phân bổ cho nhiều loại cây trồng khác nhau như mía, mì, bắp…
Theo tính toán của người dân, sau 6 năm trồng, cây keo cho lãi trên dưới 50 triệu đồng/ha. Điều này đã đẩy cơn sốt trồng keo lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, chính những người nhiều năm trồng keo cũng thừa nhận thực tế, không ít lần keo bị rớt giá, tiền bán keo không bù được chi phí đầu tư. Mặt khác, keo được trồng với mục đích lấy dăm gỗ nhưng xuất khẩu dăm gỗ không phải lúc nào cũng ổn định đầu ra.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt tăng diện tích cây keo mà phải trồng theo hướng có đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế và không phụ thuộc hoàn toàn vào việc bán keo để làm gỗ dăm. Tuy nhiên, thực tế chuyện ồ ạt trồng keo vẫn không dừng lại. Tại nhiều địa phương, sau khi chuyển hết quỹ đất lâm nghiệp trên đồi núi sang trồng keo, có gia đình còn trồng keo trên đất nông nghiệp bằng phẳng hoặc đáng ngại hơn là lấn vào đất rừng tự nhiên để trồng keo.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!