Theo đó, trong tổng số 104 tàu cá 67 mà ngư dân Nghệ An được vay vốn ngân hàng đóng mới, tham gia hoạt động khai thác thì có 57 tàu làm ăn có lãi, 17 tàu hòa vốn và 30 tàu làm ăn kém hiệu quả, tập trung chủ yếu ở địa bàn Cửa Lò, Nghi Lộc và Diễn Châu.
Một trong những nguyên nhân số tàu 67 làm ăn kém hiệu quả là do đầu tư các thiết bị đánh bắt trên tàu chưa phù hợp ngư trường đánh bắt, cũng như trình độ của ngư dân. Một thực tế cho thấy, phần lớn tàu lưới vây, lưới rê đều hoạt động khó khăn so với tàu chụp bốn sào. Phần lớn tàu của ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đầu tư tàu đánh bắt theo phương pháp chụp bốn sào đều có hiệu quả hoặc hòa vốn. Một cái khó nữa, lực lượng lao động nghề biển tại địa phương không có tay nghề nên lâm vào cảnh thường xuyên thiếu lao động có trình độ.
Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy sản có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra, các chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất như dầu, giá nhân công… tăng cao dẫn đến hiệu quả kinh tế của các chủ tàu cá nói chung, chủ tàu 67 nói riêng đạt thấp.
Ngư dân Nghệ An được các ngân hàng cho vay hơn 800 tỷ đồng đóng mới 104 tàu vỏ gỗ, vỏ sắt và composite có công suất máy từ 405-940CV, đứng thứ ba toàn quốc, sau Quảng Trị, Bình Thuận. Trong đó có 90 tàu vỏ gỗ, chín tàu vỏ sắt và năm tàu vỏ composite. Hầu hết các tàu này được hạ thủy và đưa vào hoạt động chủ yếu trong các năm 2016, 2017.
Đến nay, có hàng chục tàu 67 đã bị nợ quá hạn. Thậm chí có tàu đã chuyển sang nợ xấu và thiếu sự hợp tác của các chủ tàu. Theo quy định, khi khách hàng vay đóng tàu 67 mà bị tính nợ quá hạn thì không được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Vì thế, thực trạng nợ quá hạn với tàu 67 phát sinh sẽ tiếp tục tạo khó khăn cho chính ngư dân cũng như các tổ chức tín dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!