Không khí của buổi lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem ngay từ trước khi bắt đầu đã có phần chùng xuống bởi sự vắng mặt của đa số Đại sứ nước ngoài tại Israel. Hầu hết liên minh của Mỹ cũng đã từ chối dự khai trương Đại sứ quán ở Jerusalem.
Có thể nói, vị thế cuối cùng của Jerusalem lâu nay vẫn là một trong những vấn đề gai góc nhất đối với người Israel và người Palestine bởi Jerusalem là thánh địa chung của 3 tôn giáo: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Do đó, từ trước đến nay, các bên luôn phản ứng khá thận trọng với vùng đất nhạy cảm này bởi chỉ cần một bước đi bất cẩn cũng có thể khiến xung đột nảy sinh bất cứ lúc nào.
Jerusalem là thành phố thiêng liêng, lâu đời bậc nhất thế giới với sự hội tụ của 3 tôn giáo lớn là Hồi giáo, Thiên chúa và Do Thái. Jerusalem bị tàn phá 2 lần, vây hãm 23 lần, tấn công 52 lần, chiếm đóng và tái chiếm tới 44 lần. 70 năm trước, sau khi chế độ thực dân của Anh ở Palestine chấm dứt, Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu chấp thuận việc chia cắt vùng đất Palestine thành hai nhà nước Arab và Do Thái. Jerusalem khi đó được coi là một thực thể được chia đôi giữa hai quốc gia dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.
Năm 1948, Jerusalem được chia thành hai khu vực Tây và Đông dưới sự quản lý của Israel và Jordan. 19 năm sau, vào tháng 6/1967, Israel chiếm khu vực phía Đông, mở rộng vùng này và đơn phương sát nhập Jerusalem vào lãnh thổ của mình. Bước đi này không nhận được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế vốn kêu gọi chia sẻ phía Tây Jerusalem làm thủ đô của Israel và thủ đô của Nhà nước Palestine ở phía Đông Jerusalem.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!